Hóa chất mà hai cơ sở sản xuất giá đỗ ở Quảng Ngãi vừa bị khởi tố sử dụng để trồng giá đỗ siêu tốc là chất 6-Benzylaminopurine (BAP). Vậy hóa chất này độc đến mức nào?
Chất 6-Benzylaminopurine trồng giá đỗ siêu tốc là gì?
Chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên. Loại hóa chất này kết tinh thành tinh thể hình kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường.
Chất 6-Benzylaminopurine tan trong dimethylfornamide, dimethyl sulfoxide, tan trong dung dịch nước vôi (Na2CO3). Vì thế, việc trồng giá đỗ bằng loại hóa chất này thường kèm vôi.
Chất 6-Benzylaminopurine có tác dụng kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi; tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ việc kích thích phân chia tế bào; loại hóa chất này như thần dược với cây cỏ khi tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh…
Ngoài ra hóa chất benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch chỉ cần phun loại hóa chất này sẽ giúp nông sản giữ được màu sắc tươi xanh lâu hơn.
Dù là “thần dược” trong kích thích tăng trưởng các loại thực vật, nhưng lại là chất độc hại với động vật.
Chất 6-Benzylaminopurine gây ngộ độc cấp tính, nếu ăn số lượng lớn thực phẩm được trồng từ loại hóa chất này có thể gây tử vong.
Nếu chẳng may bị chất 6-Benzylaminopurine văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc; dính vào da gây viêm da và các bệnh lý da khác; hít chất này sẽ gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm tăng nặng các bệnh về phổi, phế quản, thậm chí xơ phổi…
Với tính độc hại, chất 6-Benzylaminopurine bị cấm sử dụng cho người. Trồng giá đỗ siêu tốc nhờ vào việc hóa chất này thẩm thấu sâu vào trong thân kích thích giá đỗ phát triển cực nhanh.
Vì chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit nên giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Đầu độc người dùng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước đó, Tuổi Trẻ Online có bài viết “Khởi tố hai cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất”, phản ánh việc Công an TP Quảng Ngãi phối hợp ngành chức năng kiểm tra hai cơ sở sản xuất giá đỗ ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi của ông Vũ Văn Tuấn và Đào Văn Lập (tạm trú tại TP Quảng Ngãi) phát hiện, thu giữ các mẫu giá đỗ nghi ngờ được sản xuất bằng hóa chất.
Sau khi kiểm nghiệm, cơ quan chức năng xác định việc làm giá đỗ của hai cơ sở này bằng cách sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng là chất 6-Benzylaminopurine.
Giá đỗ siêu tốc này có thể gây ngộ độc cấp tính, tổn hại sức khỏe người sử dụng. Công an TP Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can Tuấn và Lập.
Hai cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất này từng bị xử phạt hành chính, đình chỉ sản xuất giá đỗ trong 2 tháng. Nhưng vì lợi nhận, bị can Tuấn và Lập vẫn “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục dùng hóa chất trồng giá đỗ.
Lâu nay, công an cơ sở đã đưa vào tầm ngắm, theo dõi liên tục và kiểm tra, bắt giữ, khởi tố chủ hai cơ sở này.
Bạn đọc bức xúc với việc trồng giá đỗ bằng hóa chất, đề nghị xử lý nghiêm loại tội phạm này.
Vì dùng hóa chất trồng nên giá đỗ mọc siêu tốc, không có rễ. Nhiều người gọi đây là “giá đỗ không chân”. Bạn đọc cũng nhận ra “giá đỗ không chân” có ở nhiều nơi, đề nghị các địa phương đồng loạt kiểm tra, xử lý mầm họa với sức khỏe cộng đồng này.
Luật sư Dương Phúc Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) đưa ra các quy định xử phạt trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau.
Căn cứ theo điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 và điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, với hành vi đã bị phạt mà vẫn “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng.
Ngoài ra tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể phạt tù từ 1 – 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng.