Hoàn thiện hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn vào Đồng bằng sông Cửu Long

Đường cao tốc đã nối tới thành phố Cần Thơ nhưng chưa tạo ra “cú hích” phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư cho thành phố này và các địa phương trong vùng – Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu trừ số doanh nghiệp “khai sinh” và “khai tử”, trong năm 2023 khu vực ĐBSCL chỉ có thêm khoảng 190 doanh nghiệp mới tham gia thị trường, dù khu vực này đã và đang được trung ương đầu tư mạnh cho hạ tầng.

Vì sao nhiều doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bị “khai tử”?

Theo số liệu thống kê của VCCI vùng ĐBSCL, năm 2023 An Giang có 940 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đầu tư trên 7.813 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 831 doanh nghiệp.

Từ góc độ của mình, chị L., chủ một doanh nghiệp tại An Giang, cho biết khó khăn có phần do thực hiện chính sách thuế. Doanh nghiệp nợ thuế ngại sợ bị “bêu tên”, thậm chí cấm xuất cảnh. Việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp đôi khi chưa chuẩn nên họ cũng ngại thanh tra, kiểm tra. Thêm vào đó, nhiều cán bộ sợ trách nhiệm nên xử lý công việc kéo dài gây khó cho doanh nghiệp.

Còn có một lý do là bối cảnh kinh tế. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, cho hay việc doanh nghiệp “chết yểu” do thị trường yếu, doanh số sụt giảm, đơn đặt hàng giảm nên nhiều doanh nghiệp ngại, không muốn làm ăn và dừng để “chờ thời”.

“Các sở, ban ngành của tỉnh An Giang rất nhiệt tình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngành ngân hàng liên tục đối thoại mời gọi doanh nghiệp cho vay tín chấp chứ không phải là cho vay thế chấp nữa.

Từ đầu năm đến nay, đã có sáu cuộc đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp để mời khách hàng tiềm năng, trao đổi và hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên vốn cho doanh nghiệp vẫn ổn”, bà Kim Chi nói.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, Kiên Giang có 750 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.314 tỉ đồng, lũy kế toàn tỉnh có 12.435 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy đến nay địa phương có khoảng 8.000 doanh nghiệp hoạt động chính thức về các lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch…, số doanh nghiệp còn lại đã giải thể hoặc “chết yểu”…

Theo bà Phạm Thị Như Phượng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, các doanh nghiệp hoạt động “trên giấy” này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn yếu nên khi gặp bất lợi như dịch COVID-19, kinh tế khó khăn… phải giải thể là điều khó tránh khỏi…

Trong năm 2023, theo Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng, trừ đi số doanh nghiệp bị “khai tử”, số doanh nghiệp tham gia mới của địa phương này còn 392. Riêng tám tháng đầu năm 2024, có 272 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký khoảng 1.554 tỉ đồng và có 71 doanh nghiệp giải thể.

Ông Ngô Thanh Toàn, phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tìm mọi cách xoay xở để duy trì hoạt động do một số nguyên nhân như tình hình tài chính suy yếu, không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng trong khi sức mua của thị trường giảm nên tiêu thụ sản phẩm gặp khó.

“Điều này dẫn đến việc sản xuất của doanh nghiệp giảm sút, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động để giảm gánh nặng tài chính”, ông Toàn nói.

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp ĐBSCL thôi 'hụt hơi' - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

“Kích” đầu tư từ doanh nghiệp bằng cách nào?

Giải pháp nào để thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc “thở oxy” hoạt động cầm chừng là những vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.

Ông Ngô Thanh Toàn cho rằng để thu hút các nhà đầu tư đến “làm tổ”, Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực cần đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng cả đường bộ, đường thủy, cảng biển, sân bay và các hệ thống logistics.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc, cảng Trần Đề và hệ thống kho bãi hiện đại để giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển.

Ngoài ra, không chỉ tập trung phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Toàn, cần mạnh dạn tăng cường liên kết vùng, xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế vùng một cách toàn diện, tạo ra cơ chế hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực để tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương và tránh sự cạnh tranh không cần thiết.

“Chính quyền địa phương cần tăng cường các hoạt động quảng bá tiềm năng và lợi thế của khu vực, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước;

đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý các khu đất kêu gọi đầu tư, triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư”, ông Toàn đề xuất.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Như Phượng đề nghị địa phương cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ, vượt qua khó khăn, phát triển bền vững; đào tạo nguồn lao động tại chỗ và đặc biệt xúc tiến làm cầu nối để sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước để nâng tầm, giảm rủi ro.

Ngoài ra, địa phương cũng nên quan tâm nhiều hơn, đào tạo cán bộ tiếp dân, doanh nghiệp thân thiện, chuyên nghiệp, chu đáo, hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng; đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại thuận tiện…

Những giải pháp này sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện để phát triển.

“Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang tới đây sẽ cố gắng kết nối cộng đồng doanh nghiệp, cùng giúp đỡ nhau. Đặc biệt, sẽ là cầu nối kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển sức mạnh tập thể. Doanh nghiệp có vậy mới trụ vững phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp cho xã hội”, bà Phượng nói thêm.

Ông Võ Công Khanh (phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hậu Giang):

Hỗ trợ cho doanh nghiệp trở lại thị trường

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp ĐBSCL thôi 'hụt hơi' - Ảnh 3.

Ông Võ Công Khanh

Thứ nhất, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là cải thiện môi trường đầu tư để nhà đầu tư thấy hấp dẫn hơn.

Rồi thủ tục phải thông thoáng, thông tin phải minh bạch, các chi phí không chính thức phải giảm…

Người ta nhìn vào là thấy sự thông thoáng và cảm thấy yên tâm bỏ vốn.

Tiếp đến là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn vốn đầu tư vào các ngành có thể mang lại giá trị gia tăng cao, cần có nguồn nhân lực kỹ thuật cao mới đáp ứng được.

ĐBSCL muốn thu hút được đầu tư, phải đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để gia tăng nguồn vốn đầu tư, phải gia tăng số doanh nghiệp đầu tư. Gia tăng doanh nghiệp địa phương bằng cách nào?

Bằng cách đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, có nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra chúng ta đang nói tới câu chuyện rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp mà chưa nói tới khả năng trở lại thị trường của doanh nghiệp.

Sau dịch rất nhiều doanh nghiệp mất đi, chúng ta kêu gọi lại, hỗ trợ vốn cho họ. Doanh nghiệp rút khỏi thị trường do khó khăn về nguồn vốn, khó khăn về đơn hàng thì kêu gọi họ trở lại bằng các chính sách hỗ trợ phù hợp…

Ông Nguyễn Phương Lam (giám đốc VCCI vùng ĐBSCL):

Cải thiện mạnh hơn nữa môi trường đầu tư

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp ĐBSCL thôi 'hụt hơi' - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Phương Lam

Nguồn vốn từ trung ương đầu tư cho ĐBSCL khá lớn, là cơ hội cho vùng phát triển nhưng vốn FDI và khu vực tư nhân giảm rất nhiều.

Do đó, ngoài việc tập trung giải ngân đầu tư công, các địa phương cần nỗ lực nhiều hơn, tập trung nhiều hơn, ưu tiên nhiều hơn cho nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó có vốn đầu tư FDI và vốn từ khu vực dân doanh.

Muốn thu hút được những nguồn vốn này, trước tiên môi trường kinh doanh và đầu tư cần phải được cải thiện liên tục và mạnh mẽ nhằm tạo ra một môi trường tốt hơn, hấp dẫn hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, cần tính hiệu quả của các dự án đầu tư trong nước.

Chẳng hạn, hạ tầng logistics đã nói rất nhiều nhưng tới nay chưa thấy dự án nào được đưa vào hoạt động. Rồi trung tâm liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được Chính phủ giao nhiệm vụ, TP Cần Thơ cũng đã hoàn thiện đề án nhưng đến nay trung tâm vẫn chưa xong, các doanh nghiệp làm sao tham gia vào?

Các địa phương còn hạn chế trong quảng bá hình ảnh và cách thức xúc tiến đầu tư để làm sao tăng tính hấp dẫn của địa phương mình so với vùng miền khác, địa phương khác. Trong khi vùng này có cơ hội rất lớn là được quốc tế quan tâm, Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đầu tư, với thuận lợi đang có, lẽ ra công tác quảng bá, xúc tiến phải được đẩy mạnh, hấp dẫn hơn nhưng rất tiếc chưa thấy được sự hấp dẫn này.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *