Ông bà dạy “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Nhưng với Nguyễn Thị Kim Thảo (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), giờ “vừa không có lá mà nằm, cũng chẳng còn cá để ăn”!
Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời tuổi 18, cô gái nhỏ vốn không có anh chị em, mồ côi cha từ nhỏ nay lại càng đơn độc hơn vì mẹ cũng đã rời Thảo đi rồi. Cô gái tự nhủ sẽ phải chống chọi bước đi trên hành trình dài phía trước của đời mình.
Cha mất khi còn nhỏ, mẹ qua đời trước kỳ thi
Với 8 điểm mỗi môn văn – sử – địa, Kim Thảo chọn nguyện vọng 1 vào ngành truyền thông văn hóa Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Nguyện vọng 2, cô chọn ngành quan hệ công chúng Trường ĐH Văn Hiến. Thảo ước mơ và thích làm trong ngành truyền thông, tổ chức sự kiện.
Nhưng điểm số ấy là cả hành trình nỗ lực, nhất là phải gồng mình trước cú sốc mất mẹ ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chưa đến hai tháng. Cô được sinh ra ở Bình Dương, cha Thảo từng chạy xe ôm, mẹ bán bánh dạo và làm đủ nghề kiếm sống.
Năm bé Thảo lên 2, cha mẹ chuyển về Bạc Liêu, may được người quen cho mảnh đất cất tạm cái nhà nhỏ làm chỗ nương náu. Những ngày tháng ấy, hàng xóm vẫn không quên hình ảnh cô con gái duy nhất của vợ chồng bà Hoàng – ông Thắng cứ hôm nào không đi học sẽ được mẹ cho ngồi lọt thỏm trong cái rổ trước xe đạp rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm bán từng cái bánh bò, bánh tiêu. Trong khi đó, người cha vẫn bạc mặt mưa nắng chạy xe ôm.
Thế rồi khi con gái học lớp 2, người cha qua đời vì ung thư. Mẹ Thảo sau đó cũng chuyển qua bán vé số nuôi con gái ăn học. Cảnh nhà chưa khi nào thôi thiếu trước hụt sau. Trong một lần đi bán vé số, mẹ Thảo ngã quỵ vì nhồi máu cơ tim, may mà giữ được tính mạng. Nhưng biến cố dường như chưa buông tha, bà lại gặp tai nạn giao thông, sức khỏe cứ ngày một yếu dần dù vẫn túc tắc đi lại bán vé số.
Cảnh nhà khốn khó, hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau, cho đến ngày 5-5 vừa qua! Đó là ngày Kim Thảo trở thành đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Di chứng của trận đột quỵ̣ vì nhồi máu cơ tim cùng lần tai nạn giao thông cứ bào mòn dần chút hơi sức còn lại của mẹ. Bà Hoàng cứ yếu dần rồi bỏ lại con gái mà đi như ngọn đèn tới lúc cạn dầu, vụt tắt.
“Dù cũng đã chuẩn bị tâm lý nhưng thật sự mình vẫn sốc lắm” – Thảo nói. Cũng bởi mẹ đã không kịp chứng kiến ngày con gái vào đại học như nguyện ước, cũng không đợi được lúc con thực hiện lời hứa lên Sài Gòn học rồi dẫn mẹ đi khám bệnh.
Tự kiếm sống từ lúc phổ thông
Hồi học THPT, Thảo được nhà trường giảm 50% học phí để tiếp sức đến trường, thêm sự hỗ trợ của thầy cô và họ hàng. Lúc còn mẹ, để phụ một tay, cô gái buổi đi học buổi còn lại sang nhà bạn phụ bán mỹ phẩm online. Công việc khi ấy là kiểm tra tin nhắn của khách, đóng gói sản phẩm. Tiền công mỗi ngày Thảo kiếm được chừng 250.000 đồng, có thể ít hơn, tùy số lượng đơn hàng.
Chứng kiến bé Thảo lớn lên từ nhỏ, ông Lâm Quang Dân (48 tuổi), hàng xóm, nói hình ảnh cô con gái nhỏ ngồi trên rổ xe đạp theo mẹ đi bán vé số đã in sâu vào tâm trí người dân nơi ấy. “Con bé ngoan hiền lắm, ở xóm ai cũng thương. Hồi mẹ nó còn sống đi bán vé số, còn nó hết giờ học ở nhà lo cơm nước không có đi đâu chơi. Có đợt còn đi mần thêm kiếm tiền giúp mẹ” – ông Dân nói.
Từ ngày mẹ mất, ngôi nhà vốn ít người lại càng neo đơn. Thảo vẫn sống một mình ở đó. Lúc rảnh, con gái hay thẫn thờ bên góc nhà tìm lại những kỷ niệm ngày còn mẹ. “Tối nào hai mẹ con cũng xem clip hài, rồi mình đấm bóp cho mẹ trước khi ngủ. Đi làm về là kể liền nay con làm được bao nhiêu tiền cho mẹ mừng” – Thảo nhớ lại.
Mẹ đi rồi, mỗi sáng thức dậy, Thảo dọn nhà, cất gọn kỷ vật mẹ để lại rồi học bài. Lâu lâu lại có chị hàng xóm nấu cơm đem qua cho. Chiều tối, cô ghé chùa đốt nhang cho mẹ rồi lại qua nhà bạn bán hàng. Ông Dân nói thấy con bé côi cút ai cũng thương, ngặt nỗi nhà nào cũng khó khăn nên muốn mà đâu giúp được gì, chỉ mong có ai biết hoàn cảnh mà hỗ trợ cho Thảo đi học tiếp.
Trước ngày thi không lâu, Thảo quyết định đến thị xã Giá Rai ở nhờ nhà người bạn tên Ánh. Cô xin phụ tiền ăn uống, song ba mẹ Ánh nhất quyết không lấy. Bà Trần Thị Ánh Tuyết (mẹ Ánh) kể: “Nhà bé Thảo ở đoạn đường vắng, lại không gần bà con họ hàng. Nó là bạn thân của con gái tui, con bé ngoan hiền, cảnh nhà tội quá nên tui kêu qua đây ở để ăn học, ôn thi luôn”.
Gắng thành công để trả ơn đời
Như chợt tỉnh với sự thực không còn mẹ để khoe những điều con đạt được, lòng Thảo lại dậy lên nỗi lo cho tương lai. “Vào đại học phải tự sống, quản lý chi tiêu, tự quyết định mọi thứ mà giờ chỉ còn một mình. Hành trình phía trước còn dài quá, rồi không biết sẽ ra sao nữa…” – Thảo bỏ lửng câu nói, mắt đỏ hoe.
Cô Đỗ Ngọc Bích Phương – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thảo – nói Thảo có sức học tốt, là đứa học trò ngoan hiền. Thương học trò mồ côi, cô Phương vận động các bạn cùng lớp và thầy cô ở trường hỗ trợ thêm, nhưng chặng đường bốn năm đại học sắp tới chắc chắn phải cần một nguồn lực nào đó.
Cô giới thiệu Kim Thảo với Đoàn trường. Mới đây, khi Thảo được trao học bổng Chắp cánh ước mơ do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến tổ chức, cô Phương hay tin nói “mừng cho em lắm”. Mà với tính chịu thương chịu khó của cô học trò nhỏ, cô Phương tin bạn có đủ nghị lực để thay đổi số phận.
Ngày rời quê lên TP, cô gái có thân hình nhỏ xíu mang theo ý chí kiên cường, sẵn sàng cho một hành trình mới dù biết sẽ nhiều chông gai. Không còn cha mẹ, tủi thân chứ! Nhưng đó cũng là động lực để cô gái quyết tâm thay đổi hoàn cảnh đời mình.
“Mình sẽ giữ lời hứa với mẹ trước khi mẹ mất rằng học đại học cho tốt, cố gắng đi làm kiếm tiền và giữ lại căn nhà dưới quê để tưởng nhớ cha mẹ” – cô gái tâm sự.
Mình biết ơn rất nhiều người đã cưu mang trong những tháng ngày mình trơ trọi giữa đời. Mình sẽ cố gắng học, ra trường đi làm để có thể giúp lại cho những bạn có hoàn cảnh như mình hôm nay. Đó cũng như cách để trả ơn mọi người đã hỗ trợ, tiếp thêm động lực cho mình bước tới với quyết tâm phải thành công.
NGUYỄN THỊ KIM THẢO
Suất học bổng Tiếp sức đến trường 2024 đầu tiên
Khi chưa có kết quả tuyển sinh chính thức, tại buổi lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ mới đây, báo Tuổi Trẻ đã quyết định sẽ dành cho Kim Thảo một suất học bổng Tiếp sức đến trường năm nay.
Thảo dự tính dành suất học bổng tìm mua chiếc laptop cũ để học và trang trải chi phí ban đầu. Cùng với đó, lãnh đạo Trường ĐH Văn Hiến thông tin sẵn sàng tài trợ học phí suốt bốn năm đại học nếu Kim Thảo chọn vào học tại trường này.
Đã bắt đầu đi làm thêm
Cô gái đã rời quê Bạc Liêu lên TP.HCM, cũng là lần đầu đến TP này. Thảo nói lên sớm đặng tranh thủ kiếm nhà trọ, tìm việc làm trong lúc chờ kết quả xét tuyển chính thức. Thảo kể qua mạng xã hội đã tìm chỗ trọ ở ghép cùng người khác, song khi lên đến nơi thấy không thật sự phù hợp lắm nên hiện đang ở tạm nhà người quen.
Trước khi lên phố, Thảo được người quen cùng các thầy cô hỗ trợ ít chi phí. Vừa lên tới là Thảo qua nhà bạn bán hàng livestream rồi ngủ lại nhưng hiện đã ngừng công việc này. Mới nhất, cô bạn vừa trở thành nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi với ca làm 8 tiếng, được trả 23.000 đồng/giờ.
Mời bạn đăng ký tham gia, giới thiệu tân sinh viên cần tiếp sức đến trường
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms.
Hoặc mời bạn quét mã QR ở bên.
Hồ sơ sẽ được xét chọn thông qua hai bước.
Bước 1, tân sinh viên hoặc người giới thiệu cần điền đầy đủ thông tin về ứng viên nhận học bổng tại địa chỉ trên theo mẫu thông tin có sẵn do ban tổ chức quy định. Bước 2, ban tổ chức sẽ phỏng vấn trực tuyến hoặc phối hợp cùng địa phương xác minh trong một số trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức Đoàn – Hội các nơi cũng có thể giới thiệu tân sinh viên khó khăn để xem xét nhận học bổng này tại địa chỉ trên. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến vào ngày 20-9.
Để ủng hộ cho chương trình học bổng Tiếp sức đến trường, quý doanh nghiệp, bạn đọc xin vui lòng chuyển qua tài khoản: Báo Tuổi Trẻ: 113000006100 tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Hoặc đóng góp trực tiếp tại Phòng tiếp bạn đọc: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM và các Văn phòng đại diện của báo trên cả nước.