Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng lại
Tin tức trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho biết tín dụng sau khi bật tăng mạnh trong tháng 6 (cuối tháng 6 tăng 6% so với cuối năm 2023) đã hạ nhiệt về 5,66%.
Ngân hàng Nhà nước đã tích cực sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản trên hệ thống.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 44.400 tỉ đồng trên kênh này, chủ yếu nhờ khối lượng tín phiếu đáo hạn lớn.
Lãi suất thị trường 2 tăng lên mức trung bình 4,6%.
Trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 tăng nhẹ ở các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ, chủ yếu ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và gần như không có nhiều thay đổi ở ngân hàng thương mại lớn.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang ở mức thấp hơn so với giai đoạn năm 2021, ghi nhận ở 4,5% cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước; 5% cho các ngân hàng thương mại tư nhân lớn và 5,8% cho các ngân hàng còn lại.
Đáng chú ý báo cáo SSI chỉ ra, đối với lãi suất cho vay, gói lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi đã bắt đầu tăng nhẹ (từ mức 6% – 7% cố định cho 3 năm đầu lên khoảng 7% – 7,5%).
Tuy nhiên nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn chưa có nhiều sự thay đổi rõ rệt, theo SSI.
Thanh tra nợ đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp trên 145 tỉ đồng
Tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết hết tháng 7-2024, thành phố thực hiện gần 1.900 cuộc thanh tra, kiểm tra. Số tiền các đơn vị đã thanh tra, kiểm tra khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 145 tỉ đồng, đạt 83%.
Thanh tra liên ngành còn phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND TP Hà Nội xử phạt hành chính 24 đơn vị, tổng số trên gần 1,4 tỉ đồng.
Ngành giải quyết hơn 364.000 lượt người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Chi lương hưu, trợ cấp cho hơn 593.000 người, tổng số tiền trên 25.300 tỉ đồng.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Phan Văn Mến yêu cầu các phòng nghiệp vụ, bảo hiểm xã hội cấp huyện ở thành phố chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân tích dữ liệu và cảnh báo các bất thường về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế…
Từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh không đúng quy định cùng phòng chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Ông Mến cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ. Tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…
Theo danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Hà Nội tháng 7-2024, có đơn vị chậm đóng tới 53 tháng với số tiền trên 58 tỉ đồng.
Tỉ giá hạ nhiệt
Trong báo cáo vĩ mô tháng 8 vừa công bố, WiGroup cho biết tỉ giá trên thị trường ngân hàng và liên ngân hàng đã bớt áp lực trong thời gian gần đây khi chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD trên thị trường quốc tế) đang giảm về mốc 103,78 điểm với các kịch bản cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian tới từ Fed.
Bên cạnh đó, nhờ sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường liên ngân hàng đã giúp thu hẹp mức chênh lệch lãi suất giúp cho tỉ giá hạ nhiệt, theo WiGroup.
Tính đến ngày 31-7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rút ròng 49.600 tỉ đồng từ hệ thống ngân hàng, so với tháng trước ghi nhận rút ròng 94.000 tỉ đồng.
Thay vì chỉ thực hiện hút tiền, báo cáo cũng chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước tập trung vào việc duy trì lãi suất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày ở mức cao 4,5% để kiểm soát tỉ giá.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện bơm 173.570 tỉ đồng thông qua hợp đồng kỳ hạn trong khi số tiền 137.200 tỉ đồng trước đó đáo hạn.
Một ngân hàng báo tăng phí tin nhắn biến động số dư
VPBank vừa thông báo thay đổi biểu phí gói dịch vụ SMS Banking từ này 1-9-2024.
Theo đó, với gói cơ bản có giá trị giao dịch tối thiểu từ 200.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ phải trả 10.000 đồng cho mức từ 0 – 15 SMS, từ 16 – 30 SMS: 20.000 đồng, từ 31 – 50 SMS: 30.000 đồng.
Còn từ 51 – 100 SMS, VPBank sẽ thu của khách hàng 70.000 đồng và từ 101 SMS trở lên 100.000 đồng và phí phát sinh 700 đồng/SMS đối với tin nhắn thứ 101 trở lên.
Mức phí tối đa cho khách hàng sử dụng gói này là 1 triệu đồng/tháng. Còn với gói nâng cấp, VPBank cho biết sẽ gồm hai loại phí:
Phí cố định 100.000 đồng mỗi tháng và phí theo số lượng SMS thực tế. Mức phí tối đa cho khách hàng sử dụng gói này là 1,1 triệu đồng/tháng.
Như vậy so với quy định hiện hành, ngân hàng tăng thu thêm với khách hàng có trên 51 tin nhắn và thêm phí cố định.
VPBank khuyến nghị khách hàng chuyển đổi từ quản lý biến động số dư trên SMS banking (có thu phí) sang quản lý trên ứng dụng để tiết kiệm chi phí.
7 ngày, thiên tai làm 16 người thương vong
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, mưa lớn xảy ra từ ngày 1-8 đến nay đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương.
Mưa lớn gây sạt lở, lũ cuốn tại các địa phương miền núi phía Bắc đã làm 9 người chết, 7 người bị thương; 121 nhà ở bị thiệt hại, ngập úng, ảnh hưởng;
10 nhà phải di dời khẩn cấp; 95ha lúa bị ngập, ảnh hưởng, thiệt hại; 21ha hoa màu bị ngập, thiệt hại;
2.329 con gia súc, gia cầm bị chết; 1 công trình thủy nông và 2 tuyến kênh mương bị hư hỏng; 170 điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc với tổng khối lượng 58.810m3 đất đá, bê tông;
2ha thủy sản, ao cá bị thiệt hại; 1 điểm trường có sân, cổng bị nứt, sụt; 40 cột điện bị gãy, đổ…