“Chúng tôi nhờ tất cả đồng minh có bất kỳ mối quan hệ nào với Iran hãy thuyết phục họ xuống thang. Trong những nước này có Thổ Nhĩ Kỳ”, Hãng tin Reuters ngày 13-8 dẫn lời đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake phát biểu tại cuộc gặp bàn tròn với các nhà báo ở Istanbul.
Ông Flake đề cập tới những người đóng vai trò đối thoại của Thổ Nhĩ Kỳ: “Họ đang làm mọi cách có thể để đảm bảo tình hình không leo thang. Họ có vẻ tự tin hơn chúng tôi rằng tình hình sẽ không leo thang”.
Thông tin được đại sứ Jeff Flake cung cấp trong bối cảnh giới quan sát lo ngại Trung Đông có thể rơi vào một cuộc chiến diện rộng, sau vụ thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran và vụ Israel không kích giết chết chỉ huy quân sự cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah ở Lebanon.
Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran đã thề sẽ trả đũa.
Theo Hãng tin Reuters, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, một phần vì liên minh của Mỹ với người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và do Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga (vụ việc khiến Mỹ phải đưa ra lệnh trừng phạt và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35).
Tuy nhiên, ông Flake cho rằng quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ đang “ở vị trí tốt hơn so với trước đây”.
Ông lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng “vai trò hữu ích” trong cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất của Mỹ kể từ chiến tranh lạnh vào đầu tháng 8 tại Ankara.
“Họ không tham gia về mặt đàm phán, nhưng tham gia về mặt hậu cần. Họ đóng vai trò quan trọng”, ông nhận định.
Trong nhận định đưa ra ngày 12-8, đại sứ Flake cho rằng tình hình ở Dải Gaza “rất khó khăn”. Liên quan tới dải đất này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có những phát ngôn cứng rắn với Israel, khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể đóng vai trò là bên đối thoại.
Ông lưu ý sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về Gaza đã thu hẹp sau khi Washington bắt đầu “tích cực kêu gọi” ngừng bắn, nhưng sự bất đồng vẫn còn tồn tại.
Diễn biến liên quan, ngày 12-8, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ đã chuẩn bị cho kịch bản xung đột leo thang tại Trung Đông ngay trong tuần này.
Theo ông Kirby, Mỹ đã tăng cường lực lượng trong khu vực và chia sẻ mối lo ngại của Israel về nguy cơ bị tấn công.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ý để thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông, gồm cả nguy cơ xung đột giữa Iran – Israel.
Trong khi đó ngày 12-8, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho biết quân đội nước này đang trong tình trạng “cảnh giác cao độ” trước khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Iran hoặc Hezbollah.
“Chúng tôi đang theo dõi kẻ thù của mình và những diễn biến ở Trung Đông trong những ngày gần đây, đặc biệt là Hezbollah và Iran”, ông nói.
Suốt ngày đêm nỗ lực “tháo ngòi nổ”
Mỹ là một trong những nước đang tích cực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thông qua các kênh ngoại giao, Washington đang hối thúc các nước gửi tới Iran thông điệp: Leo thang căng thẳng ở Trung Đông không có lợi cho Tehran.
Thông điệp được đưa ra vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi là thời khắc quan trọng với Trung Đông. Ông Blinken cho biết Mỹ đang tham gia vào hoạt động ngoại giao mạnh mẽ, gần như suốt ngày đêm để “tháo ngòi nổ”.
“Tất cả các bên phải tránh leo thang, phải thực hiện các bước để giảm căng thẳng. Leo thang không có lợi cho bất cứ ai, mà chỉ dẫn đến nhiều xung đột, bạo lực và bất ổn hơn mà thôi”, ông Blinken phát biểu trong lúc thế giới nín thở với “thùng thuốc súng” Trung Đông.