Nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy những sản phẩm khác biệt do chính những truyền nhân được học hành bài bản, tốt nghiệp đại học nghệ thuật sáng tạo để tung vào thị trường.
Làm mới hình ảnh làng mộc xưa
Dù được nhiều người biết đến song làng mộc Đông Khương tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) có giai đoạn dần lụi tàn do khả năng cạnh tranh kém so với các nơi khác. Một số gia đình còn duy trì xưởng chỉ vì mong giữ lại cái tên vốn đang dần đi vào dĩ vãng.
Ít năm gần đây, khi du lịch được chú ý hơn, làng mộc Đông Khương nằm giữa hai trung tâm di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn và Hội An nên được đưa vào danh sách điểm kết hợp tham quan trải nghiệm du lịch. Thay vì chỉ làm sản phẩm để bán, những người thợ ở Đông Khương mày mò tìm cách làm mới để đón du khách đến trải nghiệm, nghe kể chuyện làng nghề.
Một ngày đầu tháng 7, khu trưng bày sản phẩm làng nghề Đông Khương đón đoàn khách ghé thăm mà nhiều người từng đến và phần nào nắm được thế mạnh, điểm yếu trong dòng sản phẩm của làng nghề này. Thế nhưng khi thấy gian nhà được bố trí sau khu vườn rợp cây xanh cùng lối tản bộ lát gạch và không gian đặt nhiều sản phẩm khác lạ với xu hướng sản phẩm lâu nay ở Đông Khương, không ít người đã rất ngạc nhiên.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp – chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam – khoe không phải ông hay những nghệ nhân kinh nghiệm của Đông Khương mà chính là các truyền nhân trẻ đã chế tác ra các sản phẩm khác lạ ấy. Họ đều được học hành bài bản từ trường đại học nghệ thuật để quay về vực dậy làng nghề.
Đưa làng nghề chuyển mình
Anh Nguyễn Văn Ân, con trai thứ hai trong gia đình có ba anh em trai, là con của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp. Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, anh quyết định quay về làng nghề để kế nghiệp xưởng mộc của cha mình. Sau nhiều trăn trở, mày mò hướng đi, anh đã bắt đầu thử nghiệm chuyển đổi cho nghề mộc ở Đông Khương.
Anh Ân tung vào thị trường các sản phẩm nắm bắt xu hướng thiết kế mới, mộc mỹ thuật ứng dụng để nghe ngóng phản ứng của thị trường. May mắn là sản phẩm vừa làm ra đã nhận lại phản hồi tích cực, được nhiều lời khen, mở ra tín hiệu đầy tiềm năng cho làng nghề xưa cũ.
43 tuổi, anh Ân tốt nghiệp từ năm 2005 và quyết tâm gắn bó với xưởng mộc cha mình gầy dựng gần 20 năm qua. Quá trình làm nghề khiến anh trăn trở nhất câu hỏi làm sao để làng nghề tồn tại và thích ứng trong bối cảnh mới. Bởi lẽ dù vốn là làng nghề có tên tuổi nhưng mộc Đông Khương khó cạnh tranh với các làng mộc phía Bắc.
Lý do làng nghề còn duy trì được tới hiện nay là nhờ một thị trường và lượng khách hàng riêng. Một số dòng sản phẩm riêng như nhà gỗ, hoành phi, câu đối… vẫn rất được người miền Trung đón nhận. Nhưng nhìn số xưởng cứ đóng dần tính đến nay còn lại đếm trên đầu ngón tay, anh Ân nói phải thay đổi tư duy và cả mẫu mã.
“Mình suy nghĩ rất nhiều, đi nhiều nơi tìm xu hướng. Tìm thông tin trên mạng thấy tại các hội chợ gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm mộc mỹ nghệ ứng dụng trong đời sống rất bán chạy. Mình thử cho anh em thợ làm” – anh Ân kể.
Anh thiết kế một gian riêng chuyên chế tác các dòng sản phẩm mới. Máy móc, dụng cụ cũng được sắm mới để khuôn mẫu phù hợp. Anh tìm tòi các sản phẩm theo xu hướng từ hình ảnh trên mạng rồi tự sáng tạo thêm từ những đường nét thân thuộc trong đời sống, văn hóa, vùng đất đưa vào sản phẩm trước khi giao cho thợ chế tác.
“Tôi trực tiếp đi Hội An, tìm tới các khu du lịch để nắm bắt thị hiếu khách hàng. Tôi đang tính toán mở kênh bán hàng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội” – anh Ân khoe.
Tự tin chuyển hướng
Anh Ân đã có những sản phẩm mới nhưng “ém” lại và chỉ đưa hình ảnh một số nhỏ lên mạng. Từ mảnh gỗ lũa bị bỏ đi, anh tạo ra tượng với hai nửa thiện – ác hay mặt nạ được chạm trổ thô mộc…
Anh Ân lý giải một phần các sản phẩm mộc truyền thống vẫn theo các khuôn mẫu cũ nên tư duy ít nhiều đã già cỗi. Chính anh cũng bất ngờ khi những sản phẩm do mình thử nghiệm sáng tạo lại được nhiều người thích. Nhận tin khen, đơn đặt hàng làm anh phấn chấn và có động lực sáng tạo hơn.
Tái sinh gỗ bỏ đi
Điểm khác đặc biệt trong các sản phẩm của anh Ân hiện tại là có nguồn gỗ nguyên liệu đều từ gỗ mảnh được cắt ra và bỏ đi từ xưởng mộc của gia đình. Thậm chí có một số khác được lượm lặt hoặc mua lại từ củi hàng rào của người dân trong vùng.
Anh Ân nói nếu mình không nhìn ra, tất cả những mảnh gỗ ấy cũng sẽ hoai mục, hoài phí. Dựa trên hình khối từng mảnh gỗ, anh tự sáng tạo ra các sản phẩm thích hợp rồi cho anh em thợ ráp, đục mà ngay cả thợ cũng bất ngờ.
“Hiện du lịch làng nghề đang rất phát triển. Những sản phẩm mang tính nghệ thuật, ứng dụng trong đời sống thế này sẽ được khách đón nhận, giúp làng nghề sống được bên cạnh các sản phẩm truyền thống lâu nay” – anh Ân nói.