Khi tuyệt vọng ta lại chi tiêu

Ngoài mua sắm, nhiều bạn trẻ khi căng thẳng chọn chi tiền cho những chuyến du lịch, ăn uống cùng bạn bè để thư giãn – Ảnh: DIỆU QUÍ

Lợi ích tạm thời trước mắt nhưng hậu quả để lại sau đó mới khiến nhiều bạn ngã ngửa, thậm chí còn stress thêm vì lỡ chi tiêu.

Vung tiền mua sắm, chỉ sướng nhất thời

Thường mua hàng online mỗi lúc stress hoặc rảnh rỗi, Đặng Thị Kim Huệ (ở TP Thủ Đức, TP.HCM) nói điều đó giúp cô thấy hạnh phúc hơn. Tần suất mua hàng có thể thay đổi tùy vào mức độ stress, áp lực nhiều mua sắm vài lần một tuần, chủ yếu săn sale trên các sàn thương mại điện tử và ngược lại.

Huệ khoe thường chọn những món mình thấy hợp, nhìn vui, kể cả mua nhiều đồ ăn. Thêm nữa la cà ăn uống với bạn, đi du lịch để thay đổi không gian. Việc chi tiền mua sắm, giải trí giúp Huệ cảm thấy giảm stress.

“Mỗi chuyến đi như vậy tôi lên kế hoạch mua quần áo, mỹ phẩm phù hợp với từng địa điểm mình đến để chụp hình sao cho không đụng hàng, cả đứa bạn thân của tôi cũng vậy”, cô gái 23 tuổi nói.

Bảo Ngọc (ở quận 7, TP.HCM) kể đó cũng là cách cô thường làm để “xả” ức chế từ công việc, tình yêu. Cô gái 26 tuổi là nhân viên marketing không chỉ mua online mà còn ra cửa hàng, trung tâm thương mại quẹt thẻ “cho đã cái nư”.

Tương tự, anh Tuấn Khải (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mỗi khi áp lực anh sẽ ra cửa hàng mua quần áo, nước hoa, giày. Anh đã không ít lần vào quán cocktail bar uống rượu, đi du lịch với bạn hay một mình.

“Biết là tốn tiền, nhưng mang lại cảm giác hưng phấn, tâm trạng khá lên dù biết áp lực vẫn chưa giải quyết được”, chàng trai 28 tuổi làm việc trong ngành tài chính cho hay.

Hành vi chi tiêu khi tuyệt vọng này được các chuyên gia tài chính gọi là doom spending. Nó xuất hiện khi con người cảm thấy cần được xoa dịu nhờ mua sắm, giải trí. Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An nói khi người ta bị stress, căng thẳng nhiều, những sợi dây liên kết thần kinh của họ sẽ không ổn định mà có thể rơi vào ngưỡng ức chế.

Một số người lúc này sẽ không có động lực hay tâm trí hoàn thành công việc. Để giải tỏa năng lượng tiêu cực, nhiều người trẻ có xu hướng mua sắm vô tội vạ và cho rằng tạo ra cảm giác vui sướng, thoát khỏi sự căng thẳng. Số khác sẵn sàng chi tiền nhiều hơn vào các hoạt động du lịch, ăn uống, nhậu nhẹt.

Khi não bộ căng thẳng sẽ suy nghĩ thiếu thấu đáo, cảm xúc chiếm ưu thế. Một số bạn trẻ có tâm lý cứ chơi tẹt ga giải tỏa cảm xúc rồi kiếm tiền bù lại sau. Vung quá tay, không nghĩ tới hậu quả nên ngay sau đó lại stress vì thiếu trước hụt sau phải vay mượn để sống.

Thạc sĩ tâm lý ĐẶNG HOÀNG AN

Làm gì cũng cần trạng thái thoải mái

Chính Kim Huệ biết mua sắm đôi khi chỉ mang lại niềm vui ngắn hạn trong lúc stress, buồn bực và không ít lần càng stress hơn vì chi quá nhiều cho những món đồ không thực sự cần thiết. Nhiều hôm cô thức tới 2h sáng lên mạng chỉ đặt những món đồ vô tri rồi lại hối hận và tiếc tiền. Không ít thứ thấy rẻ thì mua nhưng bỏ xó và sau đó phải ăn uống tiết kiệm lại vì lỡ chi tiêu quá đà.

Theo ông Hoàng An, chi tiêu không kiểm soát vào việc mua sắm chỉ giúp giải tỏa áp lực, căng thẳng tạm thời nhưng hậu quả để lại không nhỏ. Chi những thứ không cần thiết rồi lại phải sống “bóp bụng”. Chưa kể mua về nhưng không dùng lại càng lãng phí và stress hơn vì món đồ không như ý. “Mua đồ vung tay một cách vô tội vạ về lâu dài sẽ hình thành thói quen tiêu cực, lúc này rất khó thay đổi”, ông An cảnh báo.

Trong khi đó, Bảo Ngọc chia sẻ đôi lần mua hàng online đến lúc nhận hàng còn không biết mình mua để làm gì. Cô nàng nói nhiều lần phải trả giá cho thói quen mua sắm vô tội vạ, du lịch sang chảnh tìm chút niềm vui bất chấp hậu quả. Kết cục tiền hết, lương chưa có còn nợ thẻ tín dụng phải vay mượn khắp nơi khiến căng thẳng cũ chưa vơi mà áp lực mới lại kéo tới.

Mỗi lần lỡ dại, hai cô gái nói trên luôn tự nhắc bản thân cần lập kế hoạch chi tiêu cẩn thận, không xài tiền lung tung khi stress. Vậy thôi chứ cơn khủng hoảng cảm xúc ập đến là đâu lại hoàn đấy.

Còn Tuấn Khải chưa đến mức “cháy túi”, nhưng tiền tiết kiệm cứ vơi dần. Nỗi lo chính là chẳng may có chuyện cấp bách cần số tiền lớn không biết vịn vào đâu. Dẫu vậy, thói quen vung tay quá trán mỗi khi căng thẳng mới chỉ cải thiện phần nào chứ khó dứt hẳn.

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Hoàng An cho rằng muốn thoát khỏi áp lực, căng thẳng cần giải quyết từ gốc rễ vấn đề. Bởi áp lực, căng thẳng trong cuộc sống ai cũng có, vấn đề là cần phải biết tính toán, lựa chọn cách thức phù hợp khả năng, điều kiện của bản thân chứ đừng hành động cảm tính.

“Hãy tập cho mình tính kỷ luật, chỉ mua sắm và quyết định vung tiền khi bản thân đang ở trạng thái thoải mái nhất, biết dừng lại việc chi tiêu, mua sắm khi đang căng thẳng hay ức chế”, ông An gợi ý.

Người trẻ nước ngoài cũng căng thẳng không kém

Theo khảo sát từ Công ty tài chính cá nhân Credit Karma (Mỹ) hồi tháng 10, hơn 1/4 số người Mỹ thừa nhận đã “chi tiêu khi tuyệt vọng” do lo ngại về lạm phát, chi phí sinh hoạt, tình hình quốc tế và bầu cử. 37% thế hệ Z và 39% thế hệ Millennials cho biết họ rơi vào tình trạng này.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại bởi theo báo cáo năm nay của Công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, 1/3 người Mỹ không có khoản tiết kiệm ngắn hạn. 38% gen Z và Millennials tin rằng do tình hình kinh tế nên việc xây dựng tài sản tài chính ngày nay khó khăn hơn so với thời cha mẹ họ.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *