Nguyễn Tiến nhận tin đỗ đại học khi đang nằm viện – Thực hiện: NHẬT LINH – NHÃ CHÂN DIỄM HƯỜNG
Tin trúng tuyển khi đang trong phòng mổ
Tiến bị lõm ngực bẩm sinh, phải cố định thanh kim loại giữa ngực ngăn xương chèn ép phổi mới thở được bình thường, đến lúc bác sĩ kêu lấy ra.
Còn bà Trần Thị Thùy Trang (mẹ Tiến) được tin con trai trúng tuyển đại học khi cũng đang trong bệnh viện điều trị ung thư. Hai mẹ con đã xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai suốt mấy năm qua.
Bệnh lõm ngực bẩm sinh trở nặng, Tiến phải phẫu thuật, nhưng vẫn học rất tốt, luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi tin học cấp tỉnh
Tiến nhớ đó là năm học lớp 10. Đang ngồi học bài, bạn bỗng thấy khó thở rồi đổ gục xuống bàn, ngất xỉu. Nhập viện cấp cứu, bác sĩ nói căn bệnh lõm ngực bẩm sinh đã trở nặng, Tiến cần phải mổ, đặt chiếc nẹp kim loại cố định vòm ngực.
Ca mổ khiến Tiến yếu đi nhiều. Bạn không thể tự đi học hay vào bệnh viện chăm mẹ mà thường nhờ em gái chở đi. Nhưng sức học thì vẫn tốt, Tiến luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi tin học cấp tỉnh.
Bạn muốn trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp. Dù nhận kết quả trúng tuyển sớm nhưng Tiến vẫn phải dốc sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Song sau kỳ thi, bệnh tình của Tiến cũng trở nặng phải nhập viện. Lần này, bác sĩ thông báo cần mổ tháo chiếc nẹp vòm ngực ra bởi một phần xương ngực đã bị biến dạng.
Ngày nào khỏe lại chăm mẹ ung thư
Chiều cuối hạ, trời Huế nắng như đổ lửa, len lỏi vào dãy hành lang phòng bệnh Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) thật oi bức. Tiến nằm trên chiếc giường trải drap màu trắng, dáng gầy gò, khó nhọc thở ra từng hơi. Bạn vừa vượt qua ca mổ lấy nẹp xương giữa lồng ngực ra.
Mẹ ngồi cạnh giường bệnh của Tiến cũng trong bộ đồng phục bệnh viện. Bà Trang cũng điều trị ở khoa ung bướu cùng bệnh viện với con trai hơn chín năm nay. Lần nào mẹ nhập viện, Tiến cũng vào chăm. Nay Tiến bệnh, nên sau giờ vô thuốc, bà Trang lại chạy qua với con trai. Nhiều năm rồi hai mẹ con bệnh nhân cứ chăm sóc cho nhau như thế.
Mẹ Tiến là giáo viên văn Trường THCS Trần Phú (TP Huế). Gần chục năm trước, mái ấm nhỏ tan vỡ, ba mẹ con Tiến về sống cùng nhà bà ngoại. Không bao lâu sau thì mẹ phát hiện bị ung thư vú.
Đồng lương nhà giáo vốn eo hẹp giờ buộc phải gánh thêm phần chi phí vô thuốc chữa ung thư cho mẹ đều đặn mỗi tháng hơn 8 triệu đồng khiến khó càng thêm khó.
Những ngày mẹ nằm viện, Tiến lại như con thoi từ trường đến viện chăm mẹ sau giờ học. Ngoài bị lõm ngực, Tiến còn bị tan máu bẩm sinh. 18 tuổi, Tiến chỉ nặng hơn 30kg. Phần vì mang bệnh, phần cũng bởi nghèo quá, có mấy lúc được ăn uống đầy đủ.
Ngày Tiến vào phòng mổ cũng là ngày có điểm thi tốt nghiệp THPT. Nguyễn Tiến đậu tốt nghiệp, chính thức chạm tay vào giấc mơ đại học. Nhưng trước ca mổ, bác sĩ thông báo với mẹ Trang rằng vì mang căn bệnh tan máu bẩm sinh trong người dẫn đến máu khó đông, khả năng ca phẫu thuật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cậu.
Nhận tin, lòng người mẹ rối bời. Phần vì lo cho con có thể “thập tử nhất sinh”, phần lại không biết lấy đâu ra tiền cho con trai đi học khi mà khối u trong người bà đã di căn sang xương và phổi. “Nghe bác sĩ nói, tôi chỉ biết nức nở. Khóc vì vui với kết quả của con nhưng cũng vì hoàn cảnh quá éo le của mình, không kiềm chế được” – bà Trang tâm sự về cậu con trai đang cần lắm được tiếp sức đến trường.
Còn cậu con trai tỉnh lại sau ca mổ được vài ngày. iệc đầu tiên cậu làm khi bước chân xuống giường bệnh là đi ngay qua khoa ung bướu để chăm mẹ.
Bảng thành tích sáng tạo, trúng tuyển 3 trường top đầu
Nhưng khó khăn chưa bao giờ đánh gục được cậu học trò suốt ba năm THPT đều là học sinh giỏi ấy.
Tiến có kha khá giải thưởng các cuộc thi tin học cấp tỉnh và miền Trung. Đam mê tin học cùng nỗ lực học tập giúp Tiến chinh phục cả ba trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin.
Thấy số tiền tiết kiệm trong nhà cứ vơi dần sau những lần vô thuốc của mẹ, Tiến xin làm phục vụ quán cà phê ngoài giờ học. Nhưng chỉ sau buổi đầu tiên, Tiến phải nghỉ làm vì suýt ngất xỉu do quá sức.
Không bỏ cuộc, từ đam mê tin học của mình, Tiến tập tành thiết kế game online và xin tham gia vào một dự án làm game trên mạng.
Bao công sức bỏ ra, cuối cùng trò chơi mà Tiến tham gia thiết kế đã thu được lợi nhuận. Nhờ vậy, bạn kiếm được hơn 4 triệu đồng từ công việc này. “Đó là những đồng tiền đầu tiên trong đời kiếm được do chính công sức của mình. Nhận được tiền, mình đưa cả cho mẹ để lo thuốc thang. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc” – Tiến xúc động.
Tiến trúng tuyển Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) mình hằng mơ ước bằng điểm thi đánh giá năng lực. Nhưng hiểu rõ hoàn cảnh nhà mình nên bạn quyết định chọn Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) để hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư máy tính, cũng để có thể ở gần mẹ hơn.
Giải Ba môn Tin Học cấp tỉnh, giải 3 HSG cấp trường lớp 11.
Giải khuyến khích Olympic Tin học miền Trung Tây Nguyên 2023
Chung kết Hue-ICT 2023
Giải khuyến khích Tin học trẻ Khu vực miền trung 2023;
Chung kết VNOI CUP bảng mở rộng 2023.
Lên lớp 12 (2023-2024), em đã đạt được thành tích giải 3 môn Tin Học cấp tỉnh và giải Khuyến khích môn Tin Chuyên cấp tỉnh.
Mình cần tiền để nhập học nên dù mệt cũng phải cố gắng tham gia để có tiền. Sức khỏe của bản thân không tốt như người khác nên có lẽ không có việc gì phù hợp hơn trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Khó thế nào mình cũng không bỏ cuộc.
NGUYỄN TIẾN
Tiến hiền và chăm học lắm. Dù sức khỏe của bản thân, rồi gia cảnh đều khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu học trò ấy thôi nỗ lực hay có ý định từ bỏ. Bởi ước mơ ấy như con đường giúp Tiến có thể kiếm được tiền chữa bệnh cho mẹ.
Cô HOÀNG DUNG (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Tiến)
Cậu học sinh nghèo hiếu thảo
Được cho xuất viện về nhà, Tiến đã lao ngay vào máy tính để xin cộng tác với một dự án phát triển trang web trên mạng. Ngay hôm đầu tiên từ viện trở về, Tiến đã dành cả đêm ngồi lập trình web.
Thấy căn nhà cuối ngõ sáng đèn dù đã khuya, bà hàng xóm Dương Thị Cầm lật đật đi lại để “mắng thằng Tiến bắt nó lo đi ngủ sớm”. Mà đây không phải lần đầu bà phải chạy qua nhà “mắng thằng Tiến”. Chính bà Cầm là một trong những người đã phụ đưa Tiến đi cấp cứu hôm bạn ngã gục, ngất xỉu hồi năm lớp 10.
“Hắn thương mẹ nên lúc nào cũng gắng học. Hoàn cảnh đau ốm vậy mà năm nào cũng đưa giấy khen về nhà. Cả xóm đều biết nên ai cũng thương. Thi thoảng có quả cam, múi quýt tôi đều đưa qua cho nó cả” – bà Cầm nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.