Theo đó, bạn đọc [email protected] hỏi nếu công dân Việt Nam chỉ có hộ chiếu, không có căn cước công dân gắn chip thì thực hiện sinh trắc học như thế nào?
Bạn đọc Trịnh Hùng – [email protected] – băn khoăn: “Tôi không có căn cước công dân gắn chip, chỉ có hộ chiếu Việt Nam. Làm sao tôi có thể xác thực thông tin sinh trắc học với tài khoản ngân hàng?”.
Chưa có căn cước công dân gắn chip, hãy đến ngân hàng để xác thực
Nhiều người cho biết đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài, một thời gian ngắn nữa mới về Việt Nam. Họ chưa có căn cước công dân gắn chip thì làm sao có thể xác thực khuôn mặt để chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch như quy định của quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước.
Về những thắc mắc trên của bạn đọc, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết theo quy định, khi chưa có căn cước công dân gắn chip, khách hàng sẽ ra quầy để ngân hàng hỗ trợ việc thu thập và xác thực khuôn mặt.
Việc ra quầy đăng ký chỉ một lần duy nhất.
Khi thông tin sinh trắc học của khách hàng đã được lưu trữ trong kho dữ liệu của ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng qua ứng dụng Mobile Banking theo quy định tại quyết định 2345, không phải ra quầy giao dịch.
Triển khai quyết định 2345, Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các ngân hàng huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học.
Ngoài ra, cách thứ hai là khách hàng có thể thu thập và xác thực thông qua tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 do Bộ Công an cấp.
Hiện nay đã có Vietcombank cung cấp dịch vụ này.
Các dịch vụ thanh toán và mua hàng diễn ra bình thường
Còn đối với khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip và đang ở nước ngoài, nếu khách hàng đã có tài khoản ngân hàng và đang sử dụng Internet Banking/Mobile Banking thì vẫn có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến dưới 10 triệu đồng và tổng hạn mức dưới 20 triệu đồng/ngày.
Đối với các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp do các ngân hàng cung cấp thì hạn mức lên đến 100 triệu đồng cũng thực hiện bình thường như lâu nay.
“Trường hợp khách hàng có nhu cầu chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng thì phải đăng ký thông tin sinh trắc học với ngân hàng.
Tuy nhiên việc thực hiện giao dịch ở nước ngoài, khách hàng có thể sử dụng phương tiện thanh toán bằng thẻ như thẻ tín dụng quốc tế” – Ngân hàng Nhà nước lưu ý.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau 8 ngày thực hiện quyết định 2345, đến nay cả nước đã có hơn 20,7 triệu tài khoản khách hàng được các ngân hàng đối chiếu với cơ sở dữ liệu căn cước công dân của Bộ Công an. Trong số này, 90% khách hàng tự xác thực qua ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích của việc xác thực khuôn mặt đối với chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng khi thực hiện thanh toán trực tuyến.
Hay nói cách khác, việc yêu cầu xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ, bảo đảm người chuyển tiền là chính chủ.