Kịch bản ăn chia tiền tỉ mỗi chuyến bay giải cứu của cựu phó giám đốc sở

Viện kiểm sát truy tố 17 người trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 – Ảnh: TL

Trong 3 cựu phó giám đốc sở bị truy tố vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, ông Trần Tùng (cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị cáo buộc nhận tiền nhiều nhất.

Ông nhận hối lộ 4,4 tỉ để giúp doanh nghiệp xin chủ trương cách ly y tế trong ba chuyến bay giải cứu và làm trái công vụ hưởng lợi gần 3,3 tỉ sau năm chuyến bay khác.

Ông Tùng bị truy tố hai tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Doanh nghiệp xin giảm giá không được

Theo cáo trạng, Sở Ngoại vụ Thái Nguyên được giao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các địa phương để thẩm định điều kiện nhập cảnh và cách ly y tế. Phó giám đốc sở Trần Tùng được giao nhiệm vụ này.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (đã bị xét xử ở giai đoạn 1), thông qua giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Nguyễn Đình Việt để liên hệ với ông Trần Tùng.

Ông Nam đề nghị tạo điều kiện đưa công dân từ Nhật Bản về nước cách ly tại Thái Nguyên. Ông Tùng nhận lời và nói khi nào có khách sạn trống sẽ thông báo cho ông Nam biết.

Đầu tháng 3-2021, ông Trần Tùng gọi điện cho đại sứ Vũ Hồng Nam, thông báo đã có địa điểm cách ly và đề nghị gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên. 

Trước khi gửi công điện, ông Nam đã giới thiệu và cho Lê Văn Nghĩa (giám đốc Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh) số điện thoại của ông Tùng để liên hệ thủ tục xin cách ly cho công dân.

Ông Nghĩa gọi điện thoại liên hệ với ông Tùng đặt vấn đề cho công ty của mình được tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại Thái Nguyên. Cả hai hẹn gặp tại một nhà hàng ở TP Thái Nguyên.

‘Kịch bản’ ăn chia tiền tỉ mỗi chuyến bay của cựu phó giám đốc sở - Ảnh 2.

Ông Trần Tùng, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, bị truy tố trong giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu – Ảnh: Bộ Công an

Trong cuộc gặp ở nhà hàng, ông Trần Tùng yêu cầu ông Nghĩa cho Công ty Sen Vàng Đất Việt do Trần Thị Quyên làm giám đốc thực hiện việc cách ly, với chi phí “trọn gói” là 18 triệu đồng/khách. 

Song khi ký hợp đồng với Công ty Sen Vàng Đất Việt chỉ thể hiện 10-12 triệu đồng/khách cách ly. Số tiền chênh lệch 6-8 triệu đồng còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho bà Quyên để chuyển lại cho ông Tùng, ông lên “kịch bản” để “ăn chênh” tiền chi phí người dân phải trả khi về cách ly.

Do chi phí trọn gói (trong đó có việc chi phí xin văn bản chấp thuận) ông Tùng đưa ra quá cao, ông Nghĩa xin giảm nhưng ông Tùng không đồng ý. Vì vậy, ông Nghĩa buộc phải đồng ý theo yêu cầu của ông Tùng, cáo trạng nêu.

Mỗi chuyến bay cựu phó giám đốc sở “ăn chênh” tiền tỉ

Theo “kịch bản” phó giám đốc Sở Ngoại vụ đưa ra, bà Quyên sẽ lo trọn gói các thủ tục cách ly cho khách tại Thái Nguyên. Công ty Nhật Minh đã được tổ chức ba chuyến bay đưa 668 người về cách ly tại Thái Nguyên. 

Ông Nghĩa sau đó đã chuyển hơn 11 tỉ đồng cho bà Quyên, trong đó 4,4 tỉ đồng là “tiền ngoài hợp đồng” được chuyển cho ông Tùng.

Trong chuyến bay đưa người dân về nước đầu tháng 4-2021, bà Quyên chuyển cho ông Tùng 1,8 tỉ đồng tiền “ngoài hợp đồng”. Một tháng sau, ông Tùng nhận gần 1 tỉ tiền “ăn chênh” khi Công ty Nhật Minh tổ chức chuyến bay giải cứu.

Bốn tháng sau, khi tổ chức chuyến bay vào cuối tháng 9 cùng năm, ông Tùng được nhận 1,6 tỉ “tiền ngoài hợp đồng”. Số tiền này đều được bà Quyên chuyển vào tài khoản của em trai và một người bạn của ông Tùng.

Sau ba chuyến bay trên, ông Vũ Hồng Nam không cho Lê Văn Nghĩa tiếp tục đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản hồi hương cách ly y tế tại Thái Nguyên mà để cho ông Trần Tùng tự đề cử công ty thực hiện.

Ông Tùng đã lựa chọn bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản) để phối hợp thực hiện.

Sau khi thống nhất, ông Tùng hướng dẫn bà Phụng mượn pháp nhân của Công ty CP Én Việt để được chấp thuận chủ trương cách ly.

Viện kiểm sát cáo buộc vì động cơ vụ lợi, ông Tùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ để hưởng lợi gần 3,3 tỉ trong việc thực hiện 7 chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên.

Cựu cán bộ công an hướng dẫn giám đốc doanh nghiệp khai báo gian dối

Ông Nguyễn Xuân Thông, 49 tuổi, cựu cán bộ công an, là người duy nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 bị truy tố tội che giấu tội phạm. Ông Thông bị cáo buộc có mối quan hệ và biết Trần Minh Tuấn (giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Thái Hòa) từ năm 2009.

Quá trình quen biết, ông Tuấn thường xuyên gặp gỡ và lôi kéo ông Thông tham gia cùng thực hiện nhiều công việc.

Tháng 6-2021, ông Tuấn trao đổi với ông Thông về việc đang thực hiện tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người lao động Việt Nam về nước. Ông Tuấn nhờ ông Thông kết nối, tác động đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) giúp sớm ban hành văn bản đồng ý cho một công ty được thực hiện chuyến bay, cáo trạng nêu.

Đầu tháng 6-2022, khi bị điều tra liên quan vụ án chuyến bay giải cứu, ông Tuấn đã liên hệ nhờ ông Thông tìm cách giúp đỡ.

Theo cáo trạng, ông Tuấn hẹn gặp ông Thông cùng một số người trong quán ăn với mục đích tư vấn, hướng dẫn cách khai báo với cơ quan điều tra theo hướng có lợi. Ông Thông đã thảo luận, thống nhất hướng dẫn ông Tuấn không được khai việc nhận tiền từ Phạm Bích Hằng để đi hối lộ. Tuấn phải khai đã trả lại hết 10 tỉ tiền mặt cho Hằng.

Ông Tuấn trốn khỏi nơi cư trú khiến công an không thi hành được quyết định khởi tố bị can, tạm giam. Cuối tháng 11-2022, ông Tuấn bị bắt tại Thừa Thiên Huế và sau đó tiếp tục khai báo gian dối như hướng dẫn nhằm che giấu hành vi phạm tội. 

“Việc này gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Tuấn và đồng phạm”, cáo trạng nêu.

Ở giai đoạn 1 của vụ án, ông Tuấn đã bị tòa tuyên phạt 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp 18 năm tù.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *