Lạ lùng trend ‘đi khám bệnh phát hiện ung thư’, sao lấy nỗi đau của người khác ra đùa cợt?

Trend “đi khám bệnh bỗng phát hiện ung thư” trên TikTok được các bạn trẻ thi nhau “đu” theo – Ảnh chụp màn hình

Khi “sáng tạo nội dung” trên mạng xã hội trở thành một cái nghề, người người đua nhau xây kênh, đăng video để bán hàng, bất chấp chuyện bệnh tật, chết chóc của người khác hoặc của chính mình và người thân.

Lướt TikTok 20 phút thấy mấy chục người ung thư giai đoạn cuối!

Gần đây trên TikTok bỗng rộ lên trào lưu đi khám bệnh tổng quát bỗng phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối.

“Cách họ làm nội dung đa dạng lắm. Khi thì đang đi đường bị té bầm tím chân hai tháng không hết, tưởng bị thiếu chất thôi ai ngờ… ung thư máu. Khi thì bị ho, ngứa da lâu ngày không hết, sợ bị lao phổi nên đi khám, kết quả ung thư hạch giai đoạn 3… Toàn mấy bạn trẻ trẻ thôi”, anh Hoàng Thanh (34 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) kể. 

Anh Thanh thắc mắc không hiểu vì sao bệnh tật lại có thể trở thành một cái… “trend” (xu hướng) như vậy.

Cũng biết đến “trend” này, chị Hồng Hạnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Trên TikTok, mỗi trend gì đó sẽ gắn liền với một tệp âm thanh. Trend ung thư trên gắn với một đoạn nhạc nước ngoài khá sôi động.

Lướt TikTok chừng 20 phút đã thấy mấy chục người đi khám bệnh về bị ung thư giai đoạn cuối. Nhiều người trong số đó bán hàng online, và trend này mang về cho họ nhiều tương tác, theo dõi. Còn họ có bệnh thật hay không thì không ai biết được”.

Bên cạnh đó, nhiều người còn tự nhận bản thân bị HIV/AIDS giai đoạn cuối rồi cập nhật liên tục những trạng thái từ đau buồn, suy sụp đến lạc quan, sống vui cùng bệnh tật.

Anh Nguyễn Bảo (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng cho biết thường xuyên thấy những clip này trên các mạng xã hội.

“Lướt TikTok thấy video bạn kia kể chuyện đi bơi ở hồ bơi công cộng về bỗng dưng bị HIV. Rồi có một bạn khác đăng bài nói càng ngày HIV càng tăng, ngồi chờ lấy thuốc 3 tiếng mới tới lượt… Nói thật là mình hoang mang, cũng có cảm giác sợ hãi”, anh Bảo chia sẻ.

Thậm chí nhiều tài khoản TikTok đeo bảng chữ “Tôi bị HIV…” rồi phát livestream suốt 2-3 tiếng đồng hồ để xin quà tặng, vật phẩm về cho kênh của mình.

Lạ lùng trend 'đi khám bệnh phát hiện ung thư' - Ảnh 2.

Tự nhận “Tôi bị HIV” livestream trên TikTok và “ước được tặng quà” – Ảnh chụp màn hình

Lấy hình ảnh cận tử của ông bà, cha mẹ để câu view?

Chưa hết, mạng xã hội còn lan truyền những “câu chuyện cuộc đời” mà những nhà sáng tạo nội dung “thêu dệt” nên từ bệnh tật của chính họ hoặc người thân của họ.

Một cô gái tự giới thiệu là “boss tổng” (tạm dịch chủ đại lý) của một loại mỹ phẩm nước ngoài, thường xuyên đăng hình ảnh ba mình lúc lâm chung. 

Đó là hình ảnh người đàn ông yếu ớt, đang mê man nằm trên giường, kèm theo dòng mô tả: “Lúc này ba sắp mất, ngày nào em cũng khóc, khối u chèn thần kinh, ba lúc tỉnh lúc sảng, em buồn…”. 

Cô gái này đăng video từ lúc ba cô ấy lâm bệnh đến lúc mất, những hình ảnh về đám tang, chôn cất cũng được cô cập nhật đầy đủ trên kênh.

Lạ lùng trend 'đi khám bệnh phát hiện ung thư' - Ảnh 4.

Nhiều TikToker đăng hình ảnh, video người thân của mình lúc lâm chung để câu view về cho kênh – Ảnh chụp màn hình

Có tài khoản TikTok còn đăng hình một cụ bà đang hấp hối, kèm theo dòng mô tả vô cảm: “Ngoại mình mắt đã đứng tròng rồi mọi người à. Ngoại mình chắc không sống được nữa rồi mọi người ơi. Cảm giác cận tử nghiệp đau khổ quá mọi người…”.

Lướt xem qua, các kênh này đăng tải những nội dung thê lương nêu trên một cách có hệ thống, theo trend, có thông điệp rõ ràng tùy vào mặt hàng, sản phẩm mà họ đang bán. 

Phần nhiều là trà thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ, mỹ phẩm.

“Sao lại dùng hình ảnh của ông bà, cha mẹ mình lúc lâm chung để làm nội dung đi bán hàng hay câu view, câu follow? Họ làm vậy thật là vô cảm” – chị Thanh Vân (37 tuổi, TP.HCM) bức xúc.

Bất chấp thủ đoạn, đùa trên sự sống chết của người khác

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm Đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) cho biết hành vi sáng tạo nội dung “đánh” vào cảm xúc sợ hãi hay nỗi đau của người khác với mục đích câu view, bán hàng có thể được xem là một vấn nạn.

“Về mặt tâm ý có một trạng thái gọi là đồng đẳng, những người cùng cảnh ngộ sẽ đi cùng để có sự cảm thông, nâng đỡ nhau tạo ra sự thấu cảm, và cảm xúc này thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng rất nhanh.

Lợi dụng cái tâm lý này, nhiều người bán hàng có chủ đích chạm vào nỗi đau, nỗi sợ của người tiêu dùng để thúc đẩy họ đặt hàng.

Có thể người bán không bệnh, người thân không đau nhưng cũng cố làm ra vẻ bệnh, đau để kích hoạt sự thấu cảm trong tâm lý khách hàng. Hành vi này cũng được xem là lừa gạt khách hàng”, bà Tâm phân tích.

Cũng theo bà Tâm, hành vi kể trên liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con nguời. Những người bán hàng vì lợi lộc sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn, đùa cợt với chuyện sống – chết nên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để quản lý và xử lý nghiêm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *