Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – nhận định hiện nay mật độ xe cộ ngày càng đông đúc nhưng hạ tầng giao thông lại chưa đủ đáp ứng. Trong điều kiện này, các đơn vị cần thực hiện nhiều giải pháp và tập trung chấn chỉnh ý thức đi lại an toàn của người dân.
95% vụ tai nạn xuất phát từ ý thức
Theo ông Nguyễn Thành Lợi – phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, có nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra để lại hậu quả đáng tiếc mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của con người. Đặc biệt các trường hợp vi phạm giao thông vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lái xe dù đã uống rượu bia…
Dù các đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định. Thời gian tới, Ban An toàn giao thông TP.HCM cùng cơ quan quản lý tiếp tục triển khai đồng bộ loạt giải pháp về hạ tầng giao thông, siết xử phạt kết hợp tuyên truyền… cải thiện tình hình giao thông.
Tại buổi tọa đàm, thượng tá Đoàn Văn Quới – phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM (PC08) – chia sẻ có những người buổi sáng rời khỏi nhà đi làm nhưng đến chiều đã không thể trở về vì tai nạn giao thông.
Qua điều tra giải quyết tai nạn giao thông, PC08 nhận thấy đến 95% tai nạn xảy ra do ý thức người đi đường còn kém. Những người bị tai nạn được xác định tập trung nhóm từ 18 – 55 tuổi, là lao động chính trong gia đình. Điều này để lại nỗi đau lớn cho gia đình, mất mát cho xã hội không thể đo đếm được.
“Chính vì vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tại TP.HCM luôn xác định cần phải tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm nhằm chuyển hóa dần ý thức người tham gia giao thông. Với những nỗ lực đó, 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã giảm 127 người chết vì tai nạn giao thông (so với năm 2023). Một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn đã có dấu hiệu giảm, rõ ràng người dân đã chấp hành tốt hơn.
Nhất là từ sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ với nhiều quy định hướng tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó siết nồng độ cồn bằng 0 hướng tới nâng cao ý thức người dân. Chúng tôi ghi nhận rất nhiều người đã chủ động không lái xe sau khi uống rượu, bia. Họ chuyển sang đi các loại hình công cộng, dùng thức uống không chứa cồn…”, thượng tá Quới nói thêm.
Thêm giải pháp hạ tầng, xử phạt “không vùng cấm”
Cũng theo thượng tá Quới, PC08 đảm bảo luôn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân. Theo chủ trương Bộ Công an, UBND TP.HCM, mọi vi phạm sẽ bị xử phạt “đúng người, đúng lỗi” không vùng cấm, không ngoại lệ.
“Chúng tôi kỳ vọng cả xã hội vào cuộc đồng hành cùng lực lượng cảnh sát giao thông, mỗi người dân tự cải thiện ý thức vì sự an toàn cho bản thân, gia đình, xã hội. Mỗi người không vi phạm giao thông, dù không thấy cảnh sát giao thông cũng phải chấp hành luật lệ mọi lúc mọi nơi”, ông Quới bày tỏ.
Trao đổi ở trong buổi tọa đàm, ông Bùi Hòa An – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – phân tích thêm TP.HCM có 9,5 triệu xe cộ (với 8,5 triệu xe máy và 1 triệu xe ô tô), lượng xe ngày càng tăng trong khi diện tích mặt đường tăng lên có hạn.
Trước thực tế này, sở cùng các đơn vị đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp và đến nay nâng tốc độ bình quân đã tăng lên 30km/h (trước chỉ 28km/h). Về hạ tầng, TP.HCM đầu tư các tuyến vành đai 2, vành đai 3, sắp tới sẽ trình Chính phủ xây dựng tuyến vành đai 4… cải thiện hạ tầng đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối liên vùng.
Lâu dài hơn, các đơn vị cũng thực hiện chính sách về hạn chế xe cá nhân, phát triển xe công cộng chuyên chở khối lượng lớn xây dựng giao thông xanh, đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM hiện đại không kém các nước tổ chức và điều hành giao thông bằng công nghệ thông minh nhằm kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Bà Trần Ngọc Ánh – giám đốc ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam – cho biết rất ủng hộ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức “Uống có trách nhiệm”.
Đại diện thương hiệu chia sẻ: “Để xây dựng văn hóa “Uống có trách nhiệm”, chúng tôi cũng chú trọng thắt chặt hợp tác với cơ quan Chính phủ, cơ quan báo chí truyền thông và các đối tác mà điển hình có thể kể đến sự hợp tác giữa Heineken Việt Nam cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong 16 năm qua với chương trình xây dựng văn hóa, thói quen “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Đồng thời, để người tiêu dùng biết và hiểu rằng họ luôn có sự lựa chọn, trong các dịp Tết và lễ hội, chúng tôi mang đến những chiến dịch sáng tạo, điển hình là chiến dịch “Tiệc vui êm ái, thoải mái lái xe” và “Ken 0 độ, cầm lái 0 lo” với các hoạt động tiêu biểu như: đặt “Trạm 0 độ” tại các điểm dừng chân trên cao tốc; tổ chức ‘Tuần lễ không cồn’ tại hồ Con Rùa, quận 3 TP.HCM.
Song song đó, đẩy mạnh Heineken® 0.0 trong các hoạt động hội họp như lễ, tiệc, đám cưới. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi dành 10% ngân sách truyền thông của nhãn hiệu Heineken® dành cho các chiến dịch tuyên truyền ‘Uống có trách nhiệm’, với các hình ảnh và video lan tỏa thông điệp ‘Đã uống rượu bia, không lái xe” trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông phù hợp’.
Tập huấn “lái xe an toàn”, đông đảo sinh viên hào hứng
Trong chiều 9-7, chương trình kết hợp tổ chức tập huấn “Lái xe an toàn: Vì mình – vì gia đình” cho gần 200 sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn.
Các đội chơi tham gia rất hào hứng. Phạm Lê Thủy Tiên – sinh viên Viện đào tạo chất lượng cao của Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM – chia sẻ điều quan trọng nhất rút ra qua tập huấn chính là an toàn giao thông xuất phát từ nhận thức mỗi người.
“Chúng ta nhận thức thượng tôn pháp luật để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân, gia đình và xã hội”, Tiên nói.