Làm nhà vệ sinh trường học cũng chờ ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường

Công trình nhà vệ sinh của Trường tiểu học Lý Tự Trọng phải dừng chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ảnh: M.V.

Ngày 7-7, UBND TP Bảo Lộc cho biết nhiều dự án trên địa bàn TP phải dừng lại vì chồng lấn quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (quyết định 866/QĐ-TTg, gọi tắt quyết định 866 – PV). 

Trong đó, dự án xây dựng nhà vệ sinh cho 7 trường học có tính cấp thiết cũng phải dừng lại để xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc nhỏ cũng chờ chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cụ thể, để giải quyết ách tắc trong việc triển khai dự án, UBND TP Bảo Lộc chỉ đạo:

Đối với dự án xây dựng nhà vệ sinh cho 7 trường học trên địa bàn TP Bảo Lộc do Phòng Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư, yêu cầu tách các gói thầu làm 2 phần.

Đối với gói thầu xây dựng nhà vệ sinh Trường tiểu học Lý Tự Trọng, tạm dừng thực hiện cho đến khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho triển khai.

Với gói thầu xây dựng nhà vệ sinh ở 6 trường học khác, UBND TP Bảo Lộc chỉ đạo thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Theo UBND TP Bảo Lộc, dự án xây dựng nhà vệ sinh ở Trường tiểu học Lý Tự Trọng phải dừng lại chờ ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường vì phần đất xây nhà vệ sinh, dù là đất được phép xây dựng của trường, nhưng chiếu theo quyết định 866 thì lại thuộc phạm vi quy hoạch.

Đình trệ hàng loạt công trình dân sinh, giáo dục, tôn giáo

Nhiều công trình dân sinh, giáo dục trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải tạm dừng vì quyết định 866 - Ảnh: M.V.

Nhiều công trình dân sinh, giáo dục trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải tạm dừng vì quyết định 866 – Ảnh: M.V.

Quyết định 866 không chỉ ảnh hưởng đơn lẻ ở dự án nói trên, tác động của quy hoạch ra đời vào tháng 7-2023 đối với TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm là rất lớn.

Tại TP Bảo Lộc, diện tích “dính” quyết định 866 lên tới hơn 3.783ha. Đáng nói, có nhiều xã hơn 60% diện tích tự nhiên rơi vào phạm vi quy hoạch.

Còn toàn huyện Bảo Lâm có 51.244ha nằm trong ranh quyết định 866, chiếm tới 35% diện tích tự nhiên của toàn huyện và chiếm 50% diện tích đô thị, khu dân cư.

Trong trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Phương – chủ tịch UBND TP Bảo Lộc – cho biết quyết định 866 bao luôn nhiều khu dân cư đã hình thành từ 50 – 60 năm trước, nhiều trụ sở các cơ quan, trường học, trạm y tế, các cơ sở tôn giáo, hệ thống đường giao thông của TP cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều dự án khu dân cư, cải tạo nâng cấp đường đô thị, nâng cấp trụ sở cơ quan đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai vì vướng quy hoạch đã nêu.

Các địa phương trình Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch trước 20-7

Ngày 23-6, làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, ông Trần Quý Kiên – thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – nhìn nhận những vướng mắc các tỉnh Tây Nguyên nêu liên quan đến quyết định 866 là có thật, những thiệt hại trong phát triển kinh tế cũng đã có.

Ông Kiên nói muốn tháo gỡ phải sửa quyết định 866. Trước mắt các tỉnh phải rà soát lại khu vực nào có liên quan khai thác khoáng sản đến năm 2030, khu vực nào không liên quan.

Đây là cơ sở để chuyển những vùng không liên quan đến khai thác khoáng sản trong thời gian ngắn vào vùng dự trữ. Khu vực nằm trong vùng dự trữ có thể thực hiện các hoạt động kinh tế – xã hội như bình thường.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh rà soát lại và trình Chính phủ trước ngày 20-7. Ông cho rằng quyết định 866 khi điều chỉnh có liên quan đến Luật Khoáng sản.

Do đó phải tổng lực rà soát thực tế khai thác của vùng Tây Nguyên, đối chiếu với quyết định 866. Điều gì có liên quan đến Luật Khoáng sản thì kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản. Việc này phải tiến hành trước khi Luật Khoáng sản được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10-2024.

Chuyện lạ: Đất ở nhưng không được... ởChuyện lạ: Đất ở nhưng không được… ở

Người dân ở xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bốn năm qua khổ sở vì cảnh có đất ở nhưng không được ở. Chuyện tréo ngoe này xuất phát từ việc UBND tỉnh Lâm Đồng ra một thông báo nhưng… “bỏ quên” nhiều năm trời.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *