Làm thời vụ 6 tháng ở Hàn Quốc mang về 200 triệu đồng, tỉnh muốn đưa đi nhưng e ngại bỏ trốn

Phía Hàn Quốc có nhu cầu lớn về lao động nghề cá và nông nghiệp – Ảnh: HOÀNG TÁO

Chiều 27-8, bà Lê Nguyễn Huyền Trang – phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Trị cho hay đơn vị đã có văn bản trả lời 2 huyện Cam Lộ và Hướng Hóa về việc đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, riêng huyện Hải Lăng đang nghiên cứu để trả lời.

Nông dân đi làm 6 tháng, mang về 200 triệu đồng

Ông Phạm Trọng Hổ – phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa – cho hay rất nhiều nông dân ngóng chờ chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc.

“Mức lương xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng, mỗi đợt đi 6 tháng trừ chi phí 40 triệu, được chủ trang trại bao ăn ở nên người dân còn dư ra ít nhất 200 triệu đồng”, ông Hổ cho hay.

Ngoài ra, người lao động thuộc diện bộ đội xuất ngũ, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, mới thoát nghèo, gia đình chính sách… còn được hỗ trợ một phần kinh phí chuyến đi.

Ông Hổ cho hay huyện đã kết nối được với tỉnh Jeolla Nam (Hàn Quốc). Bước đầu, tỉnh bạn cần 800 lao động trang trại nông nghiệp và 400 lao động đánh cá. Huyện Hướng Hóa đã dự thảo biên bản ghi nhớ với tỉnh bạn.

Tương tự, huyện Hải Lăng cũng có nhiều lao động có nguyện vọng làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Đầu tháng 8-2024, lãnh đạo huyện Goheung (tỉnh Jeolla Nam) đã sang làm việc trực tiếp với huyện Hải Lăng và đề nghị ký ngay văn bản ghi nhớ do cần tiếp nhận lao động đảm bảo thời vụ.

Bản thân bà Trang cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ người dân hỏi về thủ tục đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

E ngại lao động bỏ trốn

Bà Huyền Trang cho hay chủ trương này được tỉnh Quảng Trị ủng hộ và giao về các địa phương tự ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ với các địa phương ở Hàn Quốc.

Chủ trương này nhằm đưa nông dân qua làm việc ở trang trại nông nghiệp hoặc đánh bắt cá trong ngắn hạn, khoảng 6 tháng trở về rồi đi lại. Người lao động được yêu cầu có kinh nghiệm trong nông nghiệp, không cần đào tạo, có việc làm ngay, có thể đưa người thân đi cùng, chi phí thấp.

Tuy nhiên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và 3 huyện trên đang e ngại việc người lao động tự ý bỏ trốn ra ngoài tìm việc, gây rủi ro cho chính người lao động và hệ lụy là phía Hàn Quốc không tiếp nhận thêm lao động.

Theo Sở này, chương trình thí điểm ở 14 tỉnh thành, nhưng một số tỉnh có tỉ lệ bỏ trốn đến 83,33% khiến các đợt sau phải dừng bay.

“Do đây là chương trình phi lợi nhuận giữa chính phủ 2 nước nên không thể yêu cầu người lao động tín chấp, thế chấp, không có ràng buộc nên khó lòng yêu cầu họ không bỏ trốn. Biện pháp chỉ dừng lại ở tuyên truyền, thuyết phục.

Sở đang rất băn khoăn giải pháp chống bỏ trốn vì nhiều hệ lụy. Theo tôi thì giữa 2 địa phương 2 nước cần kịp thời nắm bắt tâm tư, công việc của lao động để giải quyết, nhằm chống bỏ trốn”, bà Huyền Trang nói.

Ông Cáp Xuân Tá – phó chủ tịch UBND huyện Hải Lăng – cho hay tỉ lệ lao động của một số địa phương sang Hàn Quốc bỏ trốn khá cao trong khi chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về chống tình trạng lao động bỏ trốn nên khó khăn trong ký kết văn bản thỏa thuận.

Do nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ, trong đó có chống lao động bỏ trốn nên huyện Hải Lăng chưa ký biên bản ghi nhớ với phía Hàn Quốc dù cả 2 bên đều mong muốn đưa lao động đi làm việc.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *