Xung quanh chuyện TP Huế trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam dành một phần vỉa hè để làm làn đường xe đạp, nhiều bạn đọc cho rằng đây là sự sáng tạo và mong các tỉnh cũng áp dụng theo mô hình này.
Tại TP.HCM, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ hoàn chỉnh phương án tổ chức các tuyến đường có làn ưu tiên xe đạp ở khu vực trung tâm thành phố và dọc tuyến metro.
Trước mắt, Sở Giao thông vận tải TP.HCM giao Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị nghiên cứu lập phương án tổ chức làn ưu tiên xe đạp trên tuyến đường Mai Chí Thọ để đưa vào sử dụng trong năm 2024. Phương án trình trước 30-7.
Mừng, nhưng sợ nguy hiểm
Hoan nghênh ý tưởng làm làn đường riêng cho người đi xe đạp và là thành phố đầu tiên làm được điều này, nhiều bạn đọc cho rằng đây là cách làm hay.
Ủng hộ về mặt ý tưởng, bạn đọc tài khoản Lam Son Ha nêu ý kiến: “Đúng là cố đô luôn có sáng tạo mới, như thế mới là Huế, mong các tỉnh khác làm đường như vậy”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Lam bổ sung: “Chất lượng sống nằm ở những việc như thế này. Nước sạch, không khí sạch Huế cũng vẫn giữ được. Tôi thấy chất lượng sống ở Huế vậy là rất tốt”.
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều bạn đọc góp ý để làn đường xe đạp khả thi và an toàn hơn.
Về ý này, bạn đọc Tâm bình luận: “Hoan nghênh. Nhưng tôi xin góp ý một chút, đó là làn đường xe đạp chỉ cần sơn 2 viền xanh thôi. Sơn như vậy vừa chóa mắt và tốn rất nhiều tiền mua nước sơn”.
Cùng quan tâm đến sự an toàn, bạn đọc tài khoản hodu****@gmail.com góp ý: Muốn làm đường dành riêng cho người đi xe đạp thì phải làm rào, lan can tách riêng, bởi làm thế này ô tô thể nào cũng lấn vào.
Gợi ý có thể tham khảo cách làm làn đường xe đạp ở một số nước khác để áp dụng, bạn đọc tài khoản Ang cho biết: “Các nước phát triển cũng có vài đường có làn sơn xanh dành cho xe đạp. Tôi thấy cũng ổn bởi họ vừa quy hoạch tốt vừa an toàn. Nên tham khảo cách làm của họ”.
Các nước xử lý làn đường xe đạp thế nào?
Qua tìm hiểu, hiện nay có nhiều mô hình thiết lập làn xe đạp trên hoặc kề bên vỉa hè cũng được một số nơi trên thế giới áp dụng, kèm theo đó là thiết kế chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho người đi đường.
Điển hình nhất là thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ).
Theo bảng hướng dẫn thiết kế, đường dành cho xe đạp trên vỉa hè (sidewalk-level protected bike lane) ở thành phố này là làn nằm trên vỉa hè hoặc gần với vỉa hè và được ngăn cách với đường xe chạy bằng lề đường.
Các làn xe đạp trên vỉa hè này thường được xây dựng ở những nơi mà người ta khó có thể xây một đường riêng ưu tiên cho người đi bộ và xe đạp. Làn này cũng có thể được triển khai trong một dự án nâng cấp đường bộ.
Kích thước làn đường dành cho xe đạp trên vỉa hè cũng được quy định rất kỹ. Theo đó, chiều rộng tối ưu cho làn đường này là khoảng 1,8 – 2,1m cho làn một chiều và 3 – 3,6m cho làn 2 chiều.
Khoảng cách vùng đệm tối thiểu giữa làn xe đạp và đường giao thông là 0,45m và giữa làn xe đạp và làn cho người đi bộ 0,15m.
Ở những khu vực có làn xe đạp trên vỉa hè nằm liền kề với làn cho người đi bộ, nên có đường kẻ để người đi đường phân định rõ giữa hai khu vực.
Về chất liệu, làn dành cho xe đạp nên sử dụng các vật liệu như nhựa đường hoặc bê tông màu để phân biệt được giữa khu vực dành cho xe đạp với vỉa hè và vùng đệm.
Làn đường xe đạp phải cao hơn mặt đường
Trong khi đó, nhiều thành phố ở châu Âu và Bắc Mỹ có khái niệm “raised cycle tracks”. Tạm dịch: làn đường dành cho xe đạp cao hơn mặt đường.
Theo liên minh các Sở Giao thông vận tải ở các thành phố Bắc Mỹ NACTO, “raised cycle tracks” là làn dành cho xe đạp được tách biệt với các phương tiện giao thông cơ giới.
“Raised cycle tracks” có thể cao ngang với vỉa hè liền kề nó, hoặc ở độ cao trung bình giữa lòng đường và vỉa hè để tách biệt ra.
Tại các giao lộ, “raised cycle tracks” sẽ dốc xuống để nhập vào đường xe cơ giới, hoặc có thể được duy trì ngang bằng vỉa hè – nơi người đi xe đạp sẽ băng qua người đi bộ theo tín hiệu đèn dành riêng cho xe đạp.