Ngày 24-7, Facebook chính thức của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đăng tải thông tin: Đại diện cấp cao/Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell sẽ có mặt tại Hà Nội vào ngày 25-7 để tham dự lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng theo phái đoàn EU, ông Borrell sau đó sẽ đến Lào tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU-ASEAN, cũng như Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN.
Trước đó, EU thông báo ông Borrell sẽ có chuyến thăm cấp cao tại Hà Nội dự kiến từ ngày 29 đến 31-7. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Borrell đã điều chỉnh lịch trình để đến dự lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Việt Nam.
Ông Borrell sẽ thực hiến chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 29 đến 31-7 như đã thông báo trước đó, sau khi hoàn thành lịch trình tại Lào.
Hôm 20-7, website Phái đoàn EU tại Việt Nam đăng tải lời chia buồn của Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier về sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự tận tụy và cống hiến của ông cho đất nước đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử và trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Trong cuộc đời ông, Việt Nam đã phát triển từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá thành một quốc gia có thu nhập trung bình thịnh vượng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và tiềm năng đầy hứa hẹn”, tuyên bố có đoạn.
Theo Đại sứ Guerrier, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác có ý nghĩa với cộng đồng quốc tế, bao gồm với Liên minh châu Âu, thông qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và một số hiệp định song phương đã được ký kết giữa châu Âu và Việt Nam dưới sự giám sát của ông.
“Nhờ những thỏa thuận này, hợp tác EU – Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, phát triển bền vững, hòa bình và an ninh, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng”, tuyên bố khẳng định.
Đại sứ EU tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hồi tưởng về di sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời điểm buồn đau này chúng tôi đồng thời xin gửi tới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam những điều tốt đẹp nhất cho tương lai.
Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam để tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta. Chúng tôi vẫn cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ và chung tay hợp tác để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội sắp tới.
Chúng tôi cũng xin gửi lời chia buồn tới phu nhân và gia đình Tổng bí thư. Mong rằng những đóng góp của ông cho nền tự chủ chiến lược và sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai”.
Tang lễ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu ông được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ viếng Tổng bí thư sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25-7 và từ 7h đến 13h ngày 26-7.
Lễ truy điệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26-7 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Dự kiến trong hai ngày 25 và 26-7 sẽ có nhiều đoàn đại biểu quốc tế dự tang lễ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.
Các đại biểu được xác nhận đến nay hiện có: Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hỗ Ninh, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nguyên thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, nguyên phó thủ tướng, ngoại trưởng New Zealand Don McKinnon, Đại diện cấp cao/Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell.