Chiều 18-7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhận được đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về vụ ám sát hụt cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua.
Trả lời vấn đề này, bà Hằng cho biết “lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gửi lời thăm hỏi và mong cựu tổng thống Donald Trump sớm bình phục”.
Nhân dịp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết Việt Nam gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân khác trong vụ việc.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình (từ năm 2017 đến năm 2021), ông Trump đã hai lần đến Việt Nam.
Lần thứ nhất ông thăm cấp nhà nước vào tháng 11-2017 sau khi dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng.
Ông Trump đến Hà Nội lần thứ hai vào tháng 2-2019 để dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong cả hai lần đến Việt Nam, ông Trump đều có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Vụ ám sát hụt ông Trump xảy ra vào ngày 13-7, khi ông đang đi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania. Cựu tổng thống bị bắn sượt qua tai, được đưa ngay đến bệnh viện và xuất viện trong cùng ngày.
Hình ảnh ông Trump giơ nắm tay, tai đầy máu sau đó tràn ngập truyền thông Mỹ và quốc tế.
Nhiều chính trị gia, lãnh đạo các nước bày tỏ cảm giác bị sốc và lên án sự việc, đồng thời gửi lời thăm hỏi đến ông Trump qua nhiều cách.
Cựu tổng thống may mắn sống sót trong vụ việc được nhà chức trách Mỹ mô tả là “ám sát”. Tuy nhiên có hai người bị thương và một người thiệt mạng.
Cảnh sát và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm bắn ông Trump là thanh niên 20 tuổi tên Thomas Matthew Crooks ở bang Pennsylvania. Y bị tiêu diệt không lâu sau khi nổ súng nhắm vào ông Trump.
Được biết khẩu súng AR-15 mà nghi phạm đã dùng để bắn ông Trump được cha của y mua hợp pháp.
Trong thông cáo báo chí ngày 15-7, FBI cho biết họ đã thành công truy cập vào điện thoại của Thomas Matthew Crooks và hiện đang tiếp tục phân tích các thiết bị điện tử của nghi phạm.
FBI đã thực hiện gần 100 cuộc phỏng vấn với các nhân viên thực thi pháp luật, người tham gia sự kiện và các nhân chứng khác. Họ cũng ghi nhận được rất nhiều thông tin từ các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bao gồm cả ảnh và video được chụp tại hiện trường.