Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 đến 31-7, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Sáng 31-7 tại Hà Nội, ông Borrell đã có buổi gặp gỡ báo chí, chia sẻ thông tin về kết quả chuyến thăm và quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian tới.
Kỳ vọng nâng cấp quan hệ với Việt Nam
Ông Josep Borrell điểm lại các cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam vào ngày 30-7, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Phó thủ tướng Lê Thành Long. Ông cũng đã hội đàm và có cuộc gặp gỡ báo chí cùng Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Ông chia sẻ sự ấn tượng với sự kiên cường của người dân Việt Nam và sự tăng trưởng nhanh chóng của đất nước trong thời gian qua.
Ông nhắc lại mong muốn chuyến thăm của ông sẽ khởi động quá trình nâng cấp quan hệ Việt Nam – EU lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới. Ông Borrell cho biết kỳ vọng lớn nhất của ông trong chuyến thăm này là Việt Nam và EU sẽ bắt đầu các công việc ngày từ hôm nay để hướng tới việc nâng cấp quan hệ.
Trả lời câu hỏi của báo chí Việt Nam về lý do EU muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, ông Borrell chỉ ra lý do chính là: Việt Nam có số lượng thỏa thuận lớn nhất với EU trong khối ASEAN, bao gồm Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
“Một cách rất tự nhiên, với quan hệ kinh tế phát triển nhanh chóng như vậy thì chúng ta mong muốn có sự công nhận với thực tế này và thúc đẩy tăng cường, làm sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên” – nhà lãnh đạo EU giải thích.
Theo ông Borrell, có nhiều cấp độ hợp tác, quan hệ đối tác khác nhau và quan hệ của EU với Việt Nam hiện tại chưa tương xứng với mức độ sâu sắc của mối quan hệ.
Đang thúc đẩy các quốc gia EU phê chuẩn EVIPA
Ông Borrell nhận được câu hỏi về việc các quốc gia thành viên EU chậm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
EVIPA bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư, cần sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên để chính thức có hiệu lực.
Hiện đã có 18/27 nước EU phê chuẩn EVIPA. Vẫn còn 9 nước chưa phê chuẩn là Ireland, Áo, Ba Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Cyprus, Hà Lan, Slovenia.
“Tôi đang thúc giục các quốc gia này để đẩy nhanh quá trình xem xét phê chuẩn EVIPA cho các khoản đầu tư của họ. Điều này là lợi ích của cả các quốc gia thành viên EU và của Việt Nam. Khi các nhà đầu tư có được sự an toàn, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư thì họ sẽ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn”, ông nói.
Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống IUU
Ngày 23-10-2017, EC chính thức đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam do các nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
EC tổ chức đoàn thanh tra đến Việt Nam hằng năm để xem xét các hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Dự kiến đoàn thanh tra lần 5 sẽ đến trong tháng 10-2024.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam, Phó chủ tịch EC Josep Borrell nhấn mạnh cả EU và Việt Nam cần phải có nỗ lực để đảm bảo nguồn lợi thủy sản bền vững vì cộng đồng ngư dân, ngư nghiệp thịnh vượng, bền vững trong tương lai.
Phía EU đã có những phiên trao đổi và làm việc hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các biện pháp như lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
“Việc cần làm tiếp theo là đảm bảo thực thi hiệu quả các biện pháp này tại các địa phương liên quan và đây là nhiệm vụ, chức năng của chính quyền địa phương.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được báo cáo từ các cơ quan liên quan của Việt Nam vào tháng 9-2024. Dựa trên kết quả báo cáo này, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn thanh tra đến Việt Nam đánh giá tình hình IUU. Tôi hy vọng thẻ vàng có thể được gỡ bỏ”, ông Borrell nói.