Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2024, nền kinh tế 9 tháng vừa qua ghi nhận nhiều điểm sáng. Hoạt động xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, trong 9 tháng năm 2024 đã đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ 299,6 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng sơ bộ đạt 278,8 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng qua nền kinh tế xuất siêu gần 20,8 tỉ USD, giảm nhẹ so với mức xuất siêu cùng kỳ năm 2023 (ước đạt 22,1 tỉ USD).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9-2024 đạt gần 1,3 triệu lượt, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Và tính chung 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng lưu ý trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm nay là mỗi tháng có 20.300 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng rất lớn, lên tới 18.200 doanh nghiệp/tháng.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng qua là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kết quả điều tra trong quý 3 của Tổng cục Thống kê ghi nhận: có 34,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 42,6% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý 2-2024.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, bão Yagi đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp 26 tỉnh thành phía Bắc. Tính toán của Tổng cục Thống kê ghi nhận thiệt hại sơ bộ do bão Yagi gây ra khoảng hơn 81.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản của 26 tỉnh thành phố bị thiệt hại do bão Yagi chỉ chiếm hơn 20% tổng giá trị toàn ngành nông, lâm, thủy sản toàn quốc (chiếm dưới 3% tổng GDP cả nước) nên không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước.
Còn đối với ngành công nghiệp và xây dựng, bà Phí Thị Hương Nga, vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, cho hay 26 địa phương ảnh hưởng bão chiếm hơn 50% sản lượng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng mức độ thiệt hại không lớn.
Về phương pháp tính toán GDP, bà Hạnh giải thích thêm những thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão Yagi chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ nên mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể.
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng, bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp.
Để duy trì đà tăng trưởng cao và đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% vào cuối năm nay, bà Hạnh khuyến nghị 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất cần tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soat lạm phát, ổn định tỉ giá hối đoái.
Thứ hai đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, tăng cường vận động người Việt dùng hàng Việt
Thứ ba đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường
Thứ tư thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân vốn, đặc biệt giải ngân những dự án hạ tầng giao thông lớn.
Thứ năm là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh tiếp cận công nghệ, sáng tạo.
Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của nhiều tỉnh thành phía Bắc tăng trưởng âm trong quý 3-2024 như Bắc Giang -12,94%; Thái Nguyên -10,81%; Quảng Ninh – 6,97%; Hải Phòng – 5,64%; Lào Cai – 1,13%; Cao Bằng -1%; Hà Nam – 0,94%.