Lấy gì xử sàn thương mại điện tử không phép?

Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu đang “gây bão” tại thị trường Việt Nam – Ảnh: BÉ HIẾU

Không chỉ có Temu, nhiều sàn thương mại điện tử khác có nguồn gốc Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng chưa có giấy phép hoặc thiếu nhiều giấy phép để hoạt động. Trong khi đó, các quy định hiện tại để quản lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam còn thiếu và rất khó xử lý.

Các doanh nghiệp và nhiều người tiêu dùng lo ngại về lỗ hổng pháp lý này đang mở đường cho hàng giá rẻ bên ngoài tràn vào nội địa, nhưng dường như Bộ Công Thương đang bị động và thiếu những động thái để xử lý các trường hợp này.

Doanh nghiệp lo lắng

Quá nhanh và quá rẻ là cảm nhận đầu tiên của người tiêu dùng Việt Nam khi thử mua sắm trên sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc). Theo tìm hiểu, hiện Temu đang tận dụng các doanh nghiệp hậu cần của Trung Quốc, ấn định chỉ hai doanh nghiệp ban đầu tham gia chuyển hàng là Best Express và Ninja Van.

Việc Temu sử dụng các đối tác vận chuyển từ Trung Quốc giúp họ dễ dàng thực hiện việc giao hàng mà không cần phải đăng ký hoặc thiết lập các đơn vị vận chuyển tại Việt Nam.

Việc Temu không có đại diện pháp lý tại Việt Nam khiến việc quản lý và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Chị Trà My, một doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng tại TP.HCM, cho rằng khá áp lực trước hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, trong đó có Temu. Chỉ trong một tháng nay, bằng sức mạnh và cách làm khác biệt, Temu đại náo thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng thấp thỏm vì khó cạnh tranh, bán hàng sẽ chậm hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), bày tỏ quan ngại về sự đổ bộ của Temu sẽ tạo sức ép lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và thời trang trong nước.

Temu mang lại lợi ích rõ rệt về giá cả và tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách “mua sắm như một tỉ phú” có thể khiến người tiêu dùng bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm không kiểm soát, dẫn đến việc tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.

Việc tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ Temu có nguy cơ làm suy yếu các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chế tài hiện có rất khó xử lý

Theo ông Phạm Văn Hùng, Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế cơ quan chức năng có thể áp dụng nghị định 98 để xử lý vi phạm và ngăn chặn hoạt động các sàn thương mại điện tử đã hoạt động mà chưa được cấp phép. Chế tài xử phạt hiện nay là “buộc gỡ bỏ”, nên trong trường hợp doanh nghiệp không gỡ bỏ thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không có cơ chế gì để buộc doanh nghiệp thực hiện việc này.

Việc quản lý tên miền cũng được thực hiện theo nghị định 72/2013/NĐ-CP và thông tư 24/2015/TT-BTTTT, có quy định về thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn tên miền. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức này chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng như an ninh quốc gia, đạo đức xã hội… nên việc chặn tên miền với trường hợp này cũng gặp khó khăn.

Đối với các ứng dụng (app) hiện cũng không có cơ chế yêu cầu CH Play và AppStore gỡ ứng dụng vi phạm. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể xử phạt nhưng chế tài áp dụng bổ sung là gỡ bỏ, chặn tên miền là khó thực hiện.

Vì sao Bộ Công Thương chưa vào cuộc?

Trong khi doanh nghiệp trong nước lo lắng tìm cách để cạnh tranh với hàng hóa từ Temu thì nay càng hoang mang hơn khi liên tiếp xuất hiện thông tin Temu “oanh tạc” thị trường trong nước cả tháng qua mà chưa được cấp phép.

Không chỉ có Temu, một số trang thương mại điện tử xuyên biên giới khác hiện cũng chưa được ghi nhận trên trang của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, dù đã hoạt động tại Việt Nam (trang http://online.gov.vn – trang công khai thông tin các tên miền, webstie hoặc ứng dụng thương mại điện tử đã đăng ký và được Bộ Công Thương cấp phép).

Đơn cử như sàn Shein – hiện cũng có tên miền Shein.com với nhãn tiếng Việt – tương tự như Tenu cũng thuộc đối tượng quản lý của nghị định 52 và nghị định 85, song chưa ghi nhận việc được cấp phép trên trang thông tin của Bộ Công Thương.

Một số sàn thương mại điện tử khác 1688, taobao… cũng chưa ghi nhận có đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Sau khi thông tin cho Tuổi Trẻ về việc sàn thương mại điện tử Temu đã gửi đơn tới cơ quan chức năng để xin cấp phép ngày 24-10, đến nay Bộ Công Thương chưa có câu trả lời về việc có hay không đưa ra hình thức xử lý với sàn này khi đã hoạt động nhưng chưa được cấp phép.

Theo nghị định 52 và nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử nước ngoài có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền 20 – 30 triệu đồng với hành vi không đăng ký và chế tài bổ sung là buộc phải gỡ bỏ ứng dụng vi phạm. Tuy vậy, đến nay việc xử lý và có biện pháp quản lý với sàn này vẫn chưa được các cơ quan chức năng thông tin rõ ràng.

* Đại biểu PHẠM KHÁNH PHONG LAN (TP.HCM)

Chưa có giải pháp nào hiệu quả

Những ngày qua, báo chí và mạng xã hội nhắc nhiều đến Temu. Cá nhân tôi lúc đầu cũng không biết Temu là gì nhưng sau đó có tìm hiểu và vào xem. Thực tế, chúng ta nhắc đến sàn này quá nhiều mà không có giải pháp gì thì không khác gì chúng ta quảng bá cho thương hiệu này phổ biến đến với người dân.

Ở đây, nói nhiều nhưng cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương, có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả được đưa ra.

Với việc Temu chưa đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam mà tự hoạt động giao dịch, bán hàng tại Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp, hoạt động chui. Việc này hiện nay cũng đã bị phát hiện nên cơ quan chức năng sẽ phải có biện pháp xử lý và theo quy định hiện hành chỉ bị xử lý hành chính. Song mức phạt hành chính vài chục, vài trăm triệu chỉ xem như “gãi ngứa” với họ mà thôi.

Còn chiến lược, các chiêu trò bán hàng giá rẻ, kêu gọi người tham gia bán hàng với mức chiết khấu lớn, thậm chí giảm 90% giá, lãi không tưởng đã đem lại lợi ích lớn cho Temu và sàn thương mại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Qua quảng cáo, mức giảm giá lớn như vậy sẽ gây cạnh tranh “giết chết” các ông khác, bởi không thể chịu nổi. Khi đó, có thể tạo ưu thế một mình một chợ. Vì vậy, cần phải nghiên cứu các điều kiện thế nào là bán phá giá và có chính sách thuế phù hợp sau câu chuyện này.

Trong thế giới phẳng hiện nay, chúng ta khó có thể dùng “mệnh lệnh hành chính” để cấm, cản mà phải dùng đồng bộ các giải pháp. Thương mại điện tử là xu hướng của thế giới, nhưng phải được đặt trong quy định về quản lý thuế, cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

* Đại biểu TRỊNH XUÂN AN (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh)

Temu phải hoạt động đúng quy định

Tại sao khi Temu xuất hiện thì Indonesia cấm, Thái Lan đánh thuế cao còn Mỹ đưa ra các rào cản? Cần đưa các phân tích để thấy Temu đã triển khai thế nào mà các thị trường phản ứng như vậy. Tôi kiểm tra thông tin thì thấy dòng tiền của Temu trong năm qua khoảng 20 tỉ USD là cực kỳ lớn và họ thành công ở Trung Quốc.

Đây là một trang thương mại điện tử hướng vào các thị trường đông dân như Việt Nam và sử dụng biện pháp cạnh tranh cực kỳ quyết liệt, khá tiêu cực là dùng biện pháp giảm giá cực sâu, đơn hàng tập trung vào mặt hàng giá rẻ.

Như vậy, cần phải xem họ có thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Họ vào bằng đường nào? Chất lượng sản phẩm ra sao? Quan trọng nhất phải đảm bảo chất lượng của các sản phẩm đưa vào Việt Nam, không được biến chúng ta thành bãi rác.

Tôi cho rằng ở đây chúng ta phải phản ứng với Temu theo đúng kinh tế thị trường, không phải phát triển nhanh, chiếm lĩnh thị trường mà cấm ngay. Thay vào đó, phải có giải pháp đầy đủ về thuế và nên cho phép cơ quan thuế áp thuế với các đơn hàng từ trang này nếu quy ra tiền dưới 500.000 đồng.

Khi thu thuế với giá trị thấp này giúp giám sát, kiểm soát được chất lượng, quản lý được nguồn tiền, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, không để cho họ chỉ giao dịch các sản phẩm chất lượng kém và phải có đa dạng các loại hàng, kể cả các hàng chất lượng cao… Đồng thời, nếu phát hiện có vi phạm về chất lượng phải xử lý nghiêm và Temu phải hoạt động đúng quy định chứ không thể “lệch đường ray”.

Bên cạnh đó, về chiến lược lâu dài cần có các cơ chế, chính sách về tài chính, công nghệ để hỗ trợ, đẩy các sàn thương mại trong nước lên để có thể cạnh tranh.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *