Nếu Olympic là một ngày hội tưng bừng với những tấm gương phi thường, những câu chuyện truyền cảm hứng, thì doping như một góc khuất nhỏ, nhưng lại phản ánh đầy đủ các mặt trái luôn tồn tại ở ngày hội đó.
Lịch sử doping
Olympic chính thức ra đời từ cuối thế kỷ 19. Nhưng phong trào Olympic đã có từ thời Hy Lạp cổ đại, với chạy marathon là khởi nguồn. Khi đó, các VĐV phải khỏa thân hoàn toàn. Bên cạnh các lý do về tính thẩm mỹ, quan điểm nghệ thuật, người ta còn lý giải rằng quy định này khiến các VĐV không thể tìm cách giấu những loại thuốc bổ, thịt lạ hay rất nhiều thứ “thần dược” khác trong người, để có thể gian lận lúc thi đấu.
Ngay từ những kỳ Olympic đầu tiên, các VĐV (và cả một hệ thống đằng sau họ) đã tìm ra cách gian lận bằng cách tăng cường testosterone. Nhưng phải đến năm 1960, ý thức phòng chống doping mới thực sự được cải thiện.
Nó đánh dấu từ cái chết do dùng chất kích thích của VĐV xe đạp Enemark Jensen. Từ Olympic 1968, Ủy ban Olympic quốc tế bắt đầu chuyên nghiệp hóa quá trình xét nghiệm doping. Năm 1999, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) ra đời, đánh dấu một cột mốc mới cho phong trào Olympic.
Dù vậy, WADA cùng hệ thống phòng thí nghiệm tối tân của mình vẫn luôn đi sau công nghệ doping. Tiến sĩ Vũ Công Lập, nguyên viện trưởng Viện vật lý y sinh thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, đưa ra nhận định:
“Công nghệ phòng chống doping đi sau công nghệ doping khoảng 10 năm. Đây cũng là quãng thời hạn do WADA đặt ra để kiểm tra các mẫu thử của VĐV. Rất nhiều trường hợp WADA không chứng minh được các mẫu thử này dương tính với doping. Nhưng sau đó nhiều năm họ mới làm được. Cuộc chiến chống doping vì vậy luôn là cuộc chiến đầy gian khó”.
Doping – vũ khí của các cường quốc thể thao
Năm 2012, Viktor Conte – giám đốc phòng thí nghiệm nhiều tai tiếng BALCO – đưa ra một phát biểu gây sốc. BALCO từng là nơi cung cấp chất cấm cho nhiều VĐV Mỹ trước khi bị phanh phui vào năm 2003. Kết quả này khiến BALCO bị đóng cửa còn Conte phải đi tù. Sau khi ra tù, Conte tuyên bố: “Kiểm tra doping ở Olympic chỉ là một hoạt động mang tính tuyên truyền. Thực tế, 60% VĐV ở Olympic sử dụng doping”.
Dù Conte có phóng đại hay không, sự thật là doping vẫn luôn gắn liền với những nền thể thao lớn. Và Olympic chính là nơi doping hoành hành dữ dội nhất. Từ Mexico 1968 cho đến nay, không có kỳ Olympic nào không có VĐV bị tước huy chương vì doping.
Chỉ riêng thể thao Nga đã có đến hai xì căng đan doping lớn: một ở Olympic Moscow 1980, và một trong giai đoạn 2008-2016. Nếu ở Moscow 1980, mọi chuyện chỉ là nghi án thì đến năm 2016, thể thao thế giới được chứng kiến vụ bê bối doping lớn nhất lịch sử.
Đã có gần 40 VĐV Nga bị tước huy chương trong ba kỳ Olympic (mùa hè 2008, 2012 và mùa đông 2014) vì vụ bê bối này. Con số này góp phần đưa Nga lên độc chiếm bảng xếp hạng huy chương… bị tước ở Olympic. Tổng cộng đã có 12 HCV, 20 HCB và 12 HCĐ của VĐV Nga bị tước vì doping.
Nhưng nếu chỉ xét số lượng HCV, xếp sau Nga là Mỹ, với 5 HCV bị tước vì doping, còn Trung Quốc là 3 HCV bị tước. Nhìn chung, các nền thể thao càng lớn thì doping càng nhiều. Sau tuyên bố của Conte, người hâm mộ hoài nghi còn rất nhiều VĐV trên đỉnh vinh quang chưa bị phát hiện nhúng chàm. London 2012 là kỳ Olympic kỷ lục với hơn 40 VĐV bị tước huy chương. Ở Rio de Janeiro 2016, có 5 VĐV bị tước huy chương, còn ở Tokyo 2020 là 1.
Phải chăng khả năng phòng chống doping đã được cải thiện? Chưa chắc. Vì như “nguyên tắc 10 năm”, cần phải chờ một quãng thời gian đủ dài để xác thực sự trong sáng của một kỳ Olympic, một nền thể thao hay của các VĐV.
Mỹ và Trung Quốc đấu võ mồm
Vào tháng 4, báo chí Mỹ bất ngờ đăng tải thông tin WADA đã cho phép 23 VĐV dính doping của Trung Quốc tham dự Olympic Tokyo 2020. Vài tháng trước kỳ đại hội, nhóm VĐV này bị phát hiện dương tính với chất cấm Trimetazidine. Nhưng theo WADA, đây là chuyện tình cờ do ăn phải thức ăn “nhiễm độc”. Câu chuyện vì thế được giữ kín, còn 23 VĐV đã hoàn thành Olympic Tokyo mà không có rào cản nào.
Khi câu chuyện bị phanh phui, dư luận (đặc biệt là Mỹ) vô cùng phẫn nộ. Đây không phải là lần đầu tiên tuyển bơi lội Trung Quốc dính vào bê bối doping. Kình ngư huyền thoại của họ là Sun Yang từng nhận án cấm đến bốn năm vì phá mẫu thử doping.
Hậu quả là đến trước thềm Olympic Paris, đội bơi Trung Quốc bị kiểm tra doping đến… hơn 200 lần, một con số kỷ lục. Thông tin này khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ, cho rằng họ bị phân biệt đối xử.