Lì xì sai cách có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ nhỏ

Lì xì ngày đầu năm cho trẻ nhỏ là văn hóa của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán – Ảnh minh họa

Cha mẹ ngại vì trẻ chê tiền lì xì

Có con nhỏ, trước mỗi dịp Tết, chị Hoa (40 tuổi, ngụ ở Hà Nội) đều dặn dò con khi nhận được lì xì của người lớn không được mở ra trước mặt khách, cũng không được chê hay băn khoăn nếu số tiền được lì xì ít. 

Chị giải thích cho con về ý nghĩa của việc lì xì đầu năm, đó là món quà may mắn mà người lớn gửi đến con cùng lời chúc cho một năm mới bình an.

Chị Hoa nói chị dạy con như vậy bởi lẽ trước đây không ít lần chị gặp cảnh “dở khóc, dở cười” vì bị trẻ chê tiền lì xì quá ít.

“Tôi nhớ hôm đó, bé trai theo bố mẹ đến chúc Tết. Tôi rút bao lì xì đỏ và chúc bé năm mới ngoan ngoãn, học giỏi và gặp nhiều may mắn.

Khi nhận bao lì xì, thay vì cảm ơn, cậu mở ra ngay trước mặt mọi người. Thấy bên trong chỉ có một tờ 10.000 đồng, cậu bé phụng phịu, nhăn nhó: “Sao ít thế hả cô ? Lì xì gì mà chán thế”, chị Hoa kể lại.

Lúc đó, chị Hoa không biết nói gì chỉ cười cho qua. Đáng nói hơn, lúc ấy cha mẹ đứa trẻ cũng không bảo ban đứa trẻ mà cứ mải mê nói chuyện với người lớn trong nhà.

“Bởi vậy, từ khi có con, mỗi dịp trước Tết, tôi đều dặn dò con lễ phép khi nhận lì xì của người lớn. Mỗi năm con lớn lên, con sẽ có những nhận thức khác nhau về đồng tiền. Vì vậy, việc nhắc lại mỗi năm, giáo dục hằng năm như vậy sẽ tạo cho con thói quen tốt”, chị Hoa bộc bạch.

Lì xì không đúng cách có thể làm trẻ hình thành thói quen xấu

Thực tế, ngày nay, với sự tác động của nền kinh tế thị trường, nếu người lớn lì xì không khéo thì có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ.

Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr MP, Hà Nội), ngày nay nhiều người lớn dùng lì xì để trả ơn đối tác, trả ơn các các mối quan hệ trong xã hội. Ngoài ra, một số phụ huynh có những cách lì xì, những câu hỏi thể hiện tâm lý đặt nặng vật chất.

Ví dụ, có nhiều phụ huynh hay hỏi con rằng người khác lì xì cho con bao nhiêu để bố mẹ “trả” lại tương ứng. 

Theo bác sĩ Bách, điều này sẽ vô tình khiến đứa trẻ đặt nặng vật chất, học theo sự so đo tính toán.

“Khi trẻ có sự nhận thức lệch lạc về vật chất, có thể xảy ra câu chuyện so bì. Trẻ sẽ có tâm lý so sánh, ghen ghét nhất định khi người lớn phân biệt trong cách lì xì”, bác sĩ Hồng Bách nói.

Vị chuyên gia tâm lý khuyến cáo khi đứa trẻ đưa định nghĩa giá trị vật chất lên cao, đi theo phương hướng lệch lạc thì điều này sẽ làm biến đổi tính cách đứa trẻ. Đứa trẻ đó sẽ trở lên ích kỷ, nghĩ cho bản thân, thậm chí còn sẵn sàng tranh đấu.

“Nếu muốn có sự thay đổi câu chuyện lì xì nặng về vật chất thì chính người lớn phải thay đổi”, bác sĩ Bách nói.

Tóm lại, bác sĩ tâm lý Hồng Bách khuyên người lớn nên:

– Tránh cho con tiếp xúc với vật chất quá sớm. Thay vì tiền hãy tặng những món quà, ví như sách hoặc đồ chơi.

– Với những trẻ lớn, cha mẹ cần định nghĩa giá trị vật chất đúng cho con. Khi cha mẹ không đề cao giá trị vật chất thì con sẽ không có chuyện so bì, ghen tỵ…

Bên cạnh đó, cha mẹ nên giáo dục con cái về ý nghĩa của lì xì Tết, để con hiểu được đó không chỉ là vật chất, mà chứa đựng ý nghĩa, văn hóa lâu đời.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *