Lisa Su – người phụ nữ giúp hồi sinh AMD

Bà Lisa Su, CEO của nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD) – Ảnh: Womensagenda

Đây là danh sách thường niên lần thứ 2 được Time công bố nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc định hình lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng.

Người giải quyết vấn đề

Việc bà Lisa Su được xếp vào hạng mục “Người đổi mới” trong danh sách bình chọn của Time đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và khả năng thực thi xuất sắc của bà trong việc dẫn dắt AMD vượt qua những bước ngoặt quan trọng.

Kể từ khi nhậm chức năm 2014, bà là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một công ty lớn trong ngành bán dẫn – bà Su đã dẫn dắt AMD vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa công ty hồi sinh ngoạn mục từ bờ vực phá sản. Bà Su là người đầu tiên giải quyết vấn đề bằng cách đổi mới sản phẩm.

Theo Business Insider, bà đã chuyển hướng tập trung của AMD từ máy tính cá nhân sang các lĩnh vực điện toán hiệu năng cao, game và AI, giúp công ty khôi phục vị thế trên thị trường.

Một trong những thành công lớn nhất của bà là việc ra mắt dòng chip Ryzen và các sản phẩm đồ họa Radeon vốn đã làm thay đổi cục diện trong ngành công nghệ.

Những sản phẩm này không chỉ giúp AMD cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn như Intel và Nvidia, mà còn tạo ra những bước đột phá về hiệu suất và giá trị.

Khi bà tiếp quản công ty vào năm 2014, giá cổ phiếu của AMD chỉ đạt khoảng 3 USD, hiện tại giá cổ phiếu AMD đã là 130 USD, giúp giá trị vốn hóa thị trường của công ty này gần chạm mốc 230 tỉ USD. Doanh thu quý 2-2024 của AMD đạt 5,8 tỉ USD, tăng 9% so với năm trước, theo Time.

Dù có những lo ngại về việc AI đang bị “thổi phồng”, thậm chí rơi vào tình trạng bong bóng công nghệ như cảnh báo của một số chuyên gia, bà Su vẫn tự tin rằng AI sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong công nghệ.

Bà cho rằng: “Cứ mỗi 10 năm, chúng ta lại chứng kiến một bước ngoặt lớn trong công nghệ, đó có thể là sự xuất hiện của Internet, của máy tính cá nhân, của điện thoại di động hay của công nghệ đám mây. Tôi tin rằng AI sẽ còn lớn hơn tất cả những điều đó, vì cách nó thực sự ảnh hưởng tới cuộc sống, năng suất, việc kinh doanh và nghiên cứu của chúng ta”. Bà nhấn mạnh AI sẽ hiện diện trong toàn bộ danh mục sản phẩm của công ty.

Trong 5 năm tới, bà dự đoán AI sẽ giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, ngay cả các chip mạnh mẽ hơn trong tương lai cũng sẽ được thiết kế với sự hỗ trợ của AI.

Cảm hứng lớn từ mẹ

Sinh năm 1969 tại Đài Nam, Đài Loan, bà Lisa Su di cư sang Mỹ cùng gia đình khi mới 3 tuổi. Sinh trưởng tại quận Queens, New York, bà sớm có niềm đam mê với máy móc và công nghệ, thường tháo rời những chiếc ô tô điều khiển từ xa của anh trai để tìm hiểu cách chúng hoạt động.

Ngay từ nhỏ, bà đã bộc lộ năng khiếu xuất sắc trong các môn toán và khoa học nhưng dường như cha mẹ bà vẫn muốn hướng con gái theo sự nghiệp nghệ thuật hơn là kỹ thuật.

Được cha mẹ khuyến khích, bà Su bắt đầu chơi piano từ năm 7 tuổi và tập luyện hàng giờ mỗi ngày. Cùng với đó, mỗi ngày bà sẽ phải đi lại bằng phương tiện công cộng 4 giờ để học tại Trường trung học khoa học Bronx, một trong những trường trung học công lập danh tiếng nhất nước Mỹ.

Khi bà quyết định theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cha mẹ bà cảm thấy gần như thất vọng.

“Có lẽ mẹ muốn tôi trở thành nghệ sĩ piano hơn là kỹ sư – bà Su từng chia sẻ như vậy vào năm 2020 với trang Atxwoman – Nhưng tôi đã không vào được Juilliard (một trường nghệ thuật nổi tiếng ở New York). Tôi vào được MIT”. Sau này bà lần lượt lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tại MIT vào đầu những năm 1990.

Bà Su rất trân trọng và yêu quý cha mẹ vì đã luôn khuyến khích bà phát huy tối đa khả năng của mình.

“Mẹ là nguồn cảm hứng lớn trong cuộc đời tôi – bà nói – Dù không nói tiếng Anh hoàn hảo, mẹ vẫn điều hành một doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu, kết nối các nhà sản xuất ở Đài Loan với các doanh nghiệp vận tải. Mẹ đã xây dựng một doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD và luôn sát cánh bên tôi”.

Có những điều quan trọng hơn rất nhiều

Là lãnh đạo điều hành một công ty trị giá hàng trăm tỉ USD, thường xuyên phải đi công tác khắp thế giới, song bà Su vẫn sẵn sàng vào bệnh viện để túc trực ngày đêm trong suốt ba tháng khi mẹ lâm bệnh nặng vào năm 2019.

“May mắn thay, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy – bà Su nhớ lại – Đó là một trải nghiệm không thể quên. Tôi đã có một đội ngũ tuyệt vời và tôi vẫn tiếp tục làm việc từ bệnh viện qua các cuộc họp trực tuyến.

Đó là một trong những khoảnh khắc bạn nhận ra rằng có những điều quan trọng hơn rất nhiều. Không ai có thể hỗ trợ gia đình bạn tốt hơn chính bạn. Dù bạn là ai, bạn vẫn phải có mặt ở đó khi bác sĩ bước vào”.

Bà cũng chia sẻ rằng nếu có kiếp sau, bà sẽ dành thời gian để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *