Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11-10 với mức tăng thêm 4,8%, lên mức 2.103,11 đồng/kWh. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định giá bán lẻ điện.
Với hộ sinh hoạt, giá bán lẻ điện có 6 bậc, thấp nhất là bậc 1 (0 – 50kWh) với giá 1.893 đồng/kWh, và cao nhất là bậc 6 (từ 401kWh trở lên) với giá 3.302 đồng/kWh.
Nếu giữ giá điện, EVN sẽ tiếp tục lỗ
Với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 200kWh trở xuống, khoảng 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35%, theo EVN, chi phí tiền điện tăng thêm không nhiều, chỉ vào khoảng 13.800 đồng/hộ.
Tuy nhiên với hộ sinh hoạt sử dụng điện từ 201kWh trở lên, chi phí sử dụng điện tăng cao hơn. Trong đó với nhóm sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28%), tiền điện tăng khoảng 62.150 đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam – phó tổng giám đốc EVN, giá điện thực tế tăng cao hơn nhiều, tuy nhiên EVN đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế nên quyết định mức tăng 4,8%.
Giá điện tăng cũng do áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt chỉ số giá than và giá khí – chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành điện – trong năm 2023 tăng cao hơn nhiều so với các năm trước.
Thời tiết nắng nóng diện rộng khiến cho EVN phải huy động tối đa nguồn nhiệt điện có giá cao.
Ngoài tổng lượng điện mua và nhập khẩu tăng thêm 11,8 tỉ kWh, các nguồn giá rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, EVN huy động các nguồn điện có giá đắt (nhiệt điện than, nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%.
Do nguồn phát điện chiếm tới 83% giá thành nên khi giá đầu vào tăng buộc EVN phải tăng giá bán điện.
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Hòa, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho hay năm 2022 và 2023 EVN lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Nếu giữ giá điện như cũ, EVN sẽ tiếp tục lỗ.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại EVN, tác động lớn tới hoạt động sản xuất – tài chính của tập đoàn này, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện và an ninh năng lượng.
Doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí tiền điện
Việc tăng giá điện của EVN trong năm nay là 4,8%, nhưng cộng dồn cho cả năm 2022, mức tăng đã tới trên 12%, tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp và người sử dụng điện.
Ông Bùi Thanh Luân, giám đốc Công ty TNHH cơ điện tử Hiệp Phát (chuyên sản xuất, chế tạo chi tiết máy, công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu), cho biết có những công đoạn sản xuất giá điện chiếm tới 30% giá thành. Vì vậy, giá điện tăng làm chi phí đầu vào tăng 3 – 5%.
Trong bối cảnh tình hình thị trường đang ảm đạm, không thể tăng giá bán, doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn về chi phí.
Đặc biệt mức tăng liên tục trong hai năm qua lên tới hơn 12%, doanh nghiệp buộc phải tìm cách xoay xở giảm chi phí tiền điện và tiết kiệm tối đa các khoản chi phí khác để duy trì sản xuất và trả lương công nhân.
Theo ông Luân, ngoài việc sắp xếp lại thời gian làm việc để giảm sử dụng điện vào các giờ cao điểm, doanh nghiệp đã phải tính toán thêm các phương án khác để tiết kiệm điện như thông cửa sổ, giảm bớt quạt, hệ thống thông gió…
Thậm chí doanh nghiệp chấp nhận đầu tư thêm để thay thế hoặc cải tiến các loại máy móc tiêu hao nhiều nhiên liệu để tiết kiệm điện, phần nào đỡ áp lực chi phí.
“Với các công đoạn tiêu hao nhiều điện năng, chúng tôi cũng không thực hiện nữa mà gửi đi gia công ở các đơn vị chuyên biệt, sản xuất với khối lượng lớn để giảm giá thành”, ông Luân cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thăng, tổng giám đốc Công ty may Đáp Cầu, cho hay giá điện tăng kéo nhiều chi phí khác “ăn theo” làm cho chi phí sản xuất từ đầu năm nay tăng thêm 10%.
Giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh giảm, buộc doanh nghiệp phải tìm cách giảm các loại chi phí để tiết giảm tối đa, đặc biệt là giảm tiêu hao lượng điện sử dụng.
Phương án được ưu tiên là bố trí lại giờ sản xuất cho hợp lý, giảm thời gian sản xuất ở giờ cao điểm và tăng hiệu quả, hiệu suất sản xuất ở giờ thấp điểm có giá điện thấp.
Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đang tính toán lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời áp mái, vừa chủ động cung ứng điện vừa đáp ứng cho các đơn hàng tiêu chuẩn xanh của khách hàng.
“Công ty may Đáp Cầu đã tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến do tổng liên đoàn phát động, nên từ đầu năm đến nay đã đưa vào ứng dụng khoảng 300 sáng kiến, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng điện, làm lợi cho công ty hàng chục tỉ đồng”, ông Thăng cho biết.
Doanh nghiệp chịu tác động kép
Ông Đào Ngọc Nam, tổng giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam (đơn vị phân phối, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn lớn tại Hà Nội), cho biết không chỉ là chi phí tiền điện tăng mà các chi phí khác cũng gián tiếp tăng theo giá điện, trong đó giá cả các sản phẩm thực phẩm đầu vào cũng tăng theo.
Vì vậy doanh nghiệp sẽ chịu tác động kép khiến chi phí bị tăng thêm, trong khi doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán ngay để giữ ổn định cho khách hàng.
Theo ông Nam, mức giá điện tăng như trên khiến cho phí điện tăng thêm 3 – 5%. Doanh nghiệp đã phải chủ động các biện pháp ứng phó như tối ưu sử dụng các thiết bị điện ở văn phòng, nhất là sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, máy tính, điện thắp sáng.
Tuyên truyền cho nhân viên sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý, tắt các thiết bị điện không cần thiết, đồng thời đánh giá lại các máy móc tiêu hao nhiều năng lượng.
“Như với hệ thống làm lạnh thực phẩm, chúng tôi sử dụng dàn lạnh tiết kiệm điện với chế độ vận hành thông minh, tự động để ngắt khi cần thiết.
Cải tiến và nâng cao hiệu suất sử dụng điện ở nhiều khâu để giảm chi phí tối đa. Song việc thay đổi máy móc tốn nhiều chi phí nên cũng phải làm từ từ”, ông Nam chia sẻ.