Lo lắng hàng Việt thất thế trước cơn lốc hàng Trung Quốc giá rẻ

Người dân mua sắm tại cửa hàng của CATSA trước khi chuỗi thời trang này đóng cửa vào tháng 8-2024 – Ảnh: L.C.

Nhiều bạn đọc đã để lại không ít tâm tư dưới bài viết chia sẻ của bà Nguyễn Thùy Linh Cát, sáng lập thương hiệu CATSA, nói về lý do phải đóng 22 cửa hàng vì không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

Không cạnh tranh được hàng Trung Quốc, nhà máy may mặc đành đóng cửa

Khi truy cập vào một gian hàng trên TikTok Shop, xem một sản phẩm trong một gian hàng bán giấy vệ sinh nhập từ Trung Quốc, bạn đọc này thấy có đến hơn 1 triệu lượt mua.

“Cần có cơ chế để bảo vệ hàng nội địa và chống thâm hụt thương mại”, bạn đọc Hoài Nam đề xuất.

Từ góc nhìn người trong cuộc, bạn đọc tên Vinh kể gia đình có công ty may mặc từ những năm 90. Thời điểm hoàng kim (1995 – 2000) nhập nhiều máy móc, thiết bị hiện đại từ Trung Quốc, Đài Loan để phát triển kinh doanh và xuất khẩu. 

Nhưng khoảng năm 2010, hàng Thái Lan, Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam bán giá chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 giá sản phẩm trong nước. 

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu thị trường nước bạn, dù công ty đã cải tiến sản xuất, giảm chi phí nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi nên quyết định đóng cửa từ năm 2015.

Bạn đọc Vinh phân tích một sản phẩm làm ra ở Việt Nam có chi phí (nhiều loại thuế phí tăng nhanh) khá cao so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. 

Chưa kể, các doanh nghiệp nội lại phụ thuộc hầu hết nguồn nguyên liệu, máy móc của Trung Quốc nên dần dần hầu hết công ty may mặc của người Việt đều đóng cửa.

“Ngành dệt may Việt Nam phát triển chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc khi họ nắm công nghệ, máy móc và nguồn nguyên phụ liệu. Việt Nam có chi phí nhân công khá rẻ và gần Trung Quốc nên họ đặt nhà máy tại đây. 

Giờ giá thuê bất động sản của Việt Nam khá cao nên họ cũng rút dần qua Campuchia, Myanmar, Indonesia”, bạn đọc Vinh chia sẻ.

Sốt bất động sản có vai trò gì không? 

Một bạn đọc cho rằng nguyên nhân hàng Việt giá cao là do sốt bất động sản, đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao, kéo theo chi phí sinh hoạt lên cao. Chưa kể chi phí về logistics ở Việt Nam cực kỳ vô lý, có khi còn cao hơn cả giá trị món hàng. 

Nếu một món hàng giá 50.000 đồng thì mặt bằng chiếm khoảng 40-50%, logistics 20-30%, giá trị thật hàng hóa tầm 20%. Theo bạn đọc này, trên các trang thương mại điện tử, không hiếm các đơn hàng giá giao hàng gấp 2-3 lần giá trị món hàng.

Bạn đọc Huỳnh Hoa đặt vấn đề nếu không có cái nhìn tỉnh táo thì vài năm nữa thôi, cục diện ngành thời trang Việt Nam sẽ thay đổi, cứ nhập hàng là nhanh nhất nên những xưởng sản xuất nhỏ, nhà sản xuất nhỏ coi chừng sẽ không trụ lại được.

Tương tự, một bạn đọc khác chỉ ra hiện nay hàng tiêu dùng, may mặc ở Trung Quốc tràn sang Việt Nam rất nhiều, thông qua nhiều kênh, bán trên sàn thương mại điện tử. Nếu Nhà nước không bảo hộ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có nhiều doanh nghiệp phá sản.

Góp thêm góc nhìn, một bạn đọc chia sẻ: “Xây dựng uy tín doanh nghiệp trong nước, tự hào quốc gia thì sẽ góp phần tạo nên xu hướng ưu tiên xài hàng nội địa. Chứ làm ăn kiểu ăn xổi ở thì thì ít nhiều làm khách hàng có ác cảm với doanh nghiệp nội địa. 

Hãy tham khảo Chính phủ Nhật Bản, khi một doanh nghiệp nào làm ăn gian dối thì họ làm việc cho tới nơi tới chốn, để uy tín chung của quốc gia không bị ảnh hưởng, chứ không cần đợi đến bàn tay vô hình của cung cầu”.

Nhà sản xuất Việt cần thay đổi

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 21-10, bà Nguyễn Thùy Linh Cát cho biết rất bất ngờ khi những chia sẻ của bản thân lại nhận được lượng tương tác lớn của bạn đọc.

Bà Cát cho rằng bản thân muốn nói ra những thực tế của cuộc cạnh tranh hàng Việt trước cơn lốc hàng Trung Quốc với mong muốn những nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn toàn diện, để làm sao hỗ trợ các nhà sản xuất Việt có chỗ đứng, trụ lại trên sân nhà.

Theo bà Cát, nếu doanh nghiệp Việt Nam để tồn tại cũng ra sức cắt giảm các chi phí, chỉ làm sao cho sản phẩm rẻ hơn nhằm cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường, không đảm bảo các tiêu chuẩn với người lao động…

Do đó, bà mong muốn các nhà sản xuất Việt cần có sự thay đổi, người tiêu dùng Việt ủng hộ hàng Việt, nhất là các sản phẩm hướng đến sự phát triển bền vững.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *