Câu chuyện học sinh bị đình chỉ học tập một năm vì đánh bạn xảy ra ở Vĩnh Long gần đây khiến nhiều người trăn trở.
Trường đã thực hiện biện pháp giáo dục khác chưa?
Sau gần hai tháng nhận mức kỷ luật cao nhất theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không ít học sinh lớp 8 Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm) đã phải đi làm thuê.
Cá biệt có em L.N.D. mới 13 tuổi đã phải rời quê đến TP Vũng Tàu cùng cha mẹ bươn chải kiếm sống. Đáng thương như em Đ.T.V. chỉ biết quanh quẩn ở nhà bấm điện thoại. Rồi tới giờ đi học, em ra trước hiên ngồi nhìn các bạn tới lớp với tất cả sự dằn vặt.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũng Liêm thừa nhận hình thức kỷ luật của nhà trường quá nặng nhưng đúng quy định, quy chế và như vậy mới đủ sức răn đe học sinh.
Thật ra thời điểm soạn thảo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 08 khen thưởng, kỷ luật học sinh đã có từ năm 1988, những ai quan tâm đến giáo dục đều đánh giá rất cao sự tiến bộ của văn bản này.
Lần đầu tiên sau 30 năm, ngành giáo dục không còn khái niệm buộc thôi học, thậm chí bỏ cả các hình thức như cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường.
Trong đó, điều 38 “Khen thưởng và kỷ luật” của thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện thì được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức cao nhất là “tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Điều dư luận hết sức quan tâm chính là liệu lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũng Liêm, Ban giám hiệu Trường THCS Trung Hiếu đã “thực hiện các biện pháp giáo dục khác” hay chưa?
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho phép các trường “tạm dừng học có thời hạn”, trong trường hợp trên là 1 năm. Nhưng đồng thời, yêu cầu đơn vị hữu trách phải có các “biện pháp giáo dục khác” đối với các em.
Hoàn toàn không chấp nhận việc trường lớp bỏ mặc các em lêu lổng ở nhà hoặc bất đắc dĩ phải đi xa mưu sinh.
Trước hoàn cảnh của các em, chính giáo viên ở Vĩnh Long cũng bày tỏ quan điểm trên báo chí rằng chúng ta không ủng hộ bạo lực học đường nhưng cũng không cần thiết phải chọn giải pháp đình chỉ học sinh vi phạm một năm học.
Theo vị này, có nhiều cách xử phạt học sinh mà vẫn có thể tránh làm gián đoạn việc học tập, cũng như quyền được đến trường của các em. Việc đình chỉ học cần phải dựa trên công bằng, phải cân nhắc tình hình, hoàn cảnh riêng của từng học sinh.
Quan trọng nhất là quyết định xử phạt cần có mục tiêu giáo dục vì sự phát triển tích cực của con trẻ.
Cơ hội để giáo dục, không phải để trừng phạt
Học sinh là đối tượng căn bản của giáo dục, tất cả mọi quyết định đều phải hướng đến tương lai của trẻ, ngay cả các hình phạt. Chúng ta hiểu các “biện pháp giáo dục khác” chính là “đình chỉ” không có nghĩa là trả hẳn học sinh về cho gia đình hay địa phương quản lý.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhà trường, thầy cô vẫn phải tiếp tục theo sát học sinh bị kỷ luật dừng việc học tập tại lớp.
Tạm đình chỉ học không có nghĩa là các em rời trường mà vẫn phải có mặt để được “giáo dục riêng”.
Thực tế khi đã bị tạm đình chỉ học dù là vài tuần hay một năm đã là một hình phạt quá nặng với trẻ khi vẫn phải đến trường nhưng bị tách ra khỏi lớp học, bạn bè.
Việc đình chỉ học tập phải mang tính giáo dục và chỉ khi nhà trường đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ và giám sát học sinh trong thời gian bị kỷ luật.
Điều đó không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, học sinh để các em không bị đẩy ra ngoài lề giáo dục.
Ở các nước phát triển, cách xử lý học sinh vi phạm kỷ luật thường mang tính hỗ trợ thay vì áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc như đình chỉ học tập dài hạn.
Mục tiêu là giúp học sinh hiểu được sai lầm và cải thiện hành vi trong môi trường hỗ trợ đó.
Tại Mỹ hoặc Canada, học sinh vi phạm thường được lập kế hoạch hành vi cá nhân. Đây là kế hoạch do nhà trường, phụ huynh và các chuyên gia cùng các em thực hiện để cải thiện hành vi mà không làm gián đoạn quá trình học tập.
Hình thức đình chỉ chỉ được áp dụng trong trường hợp rất nghiêm trọng và thời gian thường ngắn, vài ngày đến 1-2 tuần. Trong thời gian đó, học sinh vẫn phải hoàn thành bài tập và tham gia các hoạt động từ xa hoặc tại các trung tâm hỗ trợ giáo dục.
Thay vì đình chỉ, nhiều trường sử dụng hình thức tạm chuyển học sinh sang một chương trình giáo dục đặc biệt để quản lý hành vi.
Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã có nhiều năm áp dụng hình thức phạt bằng lao động.
Trong đó mức kỷ luật nghiêm khắc nhất là lao động trong hè. Học sinh phải lao động trong hè thường được thông báo kế hoạch trước trên cơ sở trao đổi, thống nhất với cha mẹ học sinh.
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp, TP.HCM) xử lý kỷ luật các học sinh đánh nhau bằng cách trong vòng hai tuần, cứ đến giờ ra chơi, các em này phải đến thư viện đọc sách dưới sự giám sát của thầy cô.
Nhà trường sẽ định hướng cho học sinh đọc sách đạo đức là chủ yếu.
Những phương pháp ở nước ngoài cũng như nhiều trường trong nước đều thể hiện quan điểm vi phạm kỷ luật là cơ hội để giáo dục, không phải để trừng phạt.
Mục tiêu dài hạn là giúp học sinh có trách nhiệm với hành vi của mình và trang bị kỹ năng cần thiết để tránh cho các em tái phạm.