1. Ikram Talaat Ahmed (29 tuổi) đang dạy học cho trẻ em trong các trại di tản. Trước chiến tranh, cô làm giáo viên tiếng Anh tại một trường mẫu giáo ở Dải Gaza. Buổi tối, Ikram dạy cho học sinh tại trung tâm giáo dục của mình dưới tầng nhà.
Cô đã làm việc từ khi tốt nghiệp đại học, nhưng do chiến tranh Ikram đã mất công việc giảng dạy của mình. Nhà và trung tâm giáo dục của cô đã bị đánh bom, trường nơi cô làm việc cũng bị phá hủy.
“Tôi đã mất tất cả trong cuộc chiến, nhưng tôi có thể biến túp lều của gia đình mình thành một ngôi trường nhỏ để dạy học cho các trẻ em bị di tản. Tôi là một giáo viên, và nhiệm vụ của tôi là giáo dục trẻ em, đảm bảo sự xuất hiện của một thế hệ có học thức, có văn hóa, có khả năng cải thiện quê hương của chúng ta.
Tôi sẽ tiếp tục công việc của mình trong chiến tranh với tất cả sự dũng cảm, và tôi đảm bảo rằng Gaza vẫn là trung tâm của tri thức và học giả như mọi người vẫn biết”, cô nói.
2. Trong khi đó, với người đàn ông 61 tuổi Akram Abdul Nabi Al-Ajrami, khao khát của ông là mang lại niềm vui cho trẻ em, dù bản thân ông cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Akram dành thời gian tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục cho trẻ em và những người dân trong các lều trại.
“Chúng tôi đã sống trong lều nhiều tháng nay và không có nguồn giải trí nào cho các trẻ nhỏ. Những ngày này là những ngày tồi tệ nhất của cuộc đời chúng tôi, đặc biệt là đối với trẻ em. Chúng tôi phải chịu đựng rất nhiều khi sống trong điều kiện này”, ông nói.
Akram đang nỗ lực tổ chức các hoạt động giúp xoa dịu những mất mát của trẻ em, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các em. Cũng như nhiều người dân khác, ông hy vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc, và tất cả những khó khăn mọi người đang trải qua sẽ chấm dứt.
“Tôi nhớ nhà và khu phố nơi tôi sống. Tôi nhớ những người hàng xóm và họ hàng của tôi. Tôi nhớ cuộc sống của tôi trước khi chiến tranh xảy ra”, Akram trải lòng.
3. Còn Ahmed Nasr Halas (42 tuổi) lại làm một công việc thiện nguyện khác. Đó là cung cấp dịch vụ y tế trong những điều kiện không thể tưởng tượng được. Trong cuộc chiến ác liệt của Israel tại Dải Gaza, quân chiếm đóng đã phá hủy hai nhà thuốc mà anh sở hữu tại thành phố Gaza.
Ahmed đã mất công việc và nguồn thu nhập duy nhất. Dù vậy, anh cảm thấy có trách nhiệm phục vụ những người dân của đất nước mình. Vì thế, anh đã mở một hiệu thuốc nhỏ trong túp lều nơi anh sống, mặc dù chính anh cũng đã bị buộc phải di tản.
Ahmed làm việc suốt ngày đêm để cung cấp dịch vụ y tế và thuốc men cho hàng ngàn người bị di tản, và anh cảm thấy rất hạnh phúc khi xoa dịu được nỗi đau của họ.
“Tôi mơ rằng chiến tranh sẽ kết thúc ngay lập tức. Tôi sẽ sớm có thể tái xây dựng hai nhà thuốc của mình và tiếp tục phục vụ gia đình, hàng xóm và tất cả bệnh nhân ở khu Shujaiya.
Dù quân chiếm đóng đã phá hủy nhà thuốc mà tôi đã cố gắng mở, nhưng giấc mơ của tôi vẫn còn sống. Tôi vẫn mơ ước mở một công ty dược phẩm, đồng thời hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ của mình”, anh nói.
Cậu bé Sa’id Khamees Al-Halabi mới 12 tuổi nhưng cũng muốn đóng góp cho cộng đồng của mình. Lần đầu tiên trường học của Sa’id bị đánh bom, em đang đứng gần cổng trường. Lần thứ hai bom giội xuống là khi Sa’id đang định sửa chiếc bạt nhún – nơi dành cho các trẻ em vui chơi.
“Tôi sợ mình sẽ bị tên lửa của quân chiếm đóng giết chết hoặc bị thương và trở nên tàn tật. Tôi đã nhìn thấy hàng trăm người bị thương mỗi ngày trong các trại trú ẩn”, cậu bé kể lại. Tuy nhiên, cùng với nhiều nhóm thanh niên khác, Sa’id đã chung tay tổ chức một sự kiện để mang lại niềm vui cho các trẻ em.
“Chúng tôi đã giúp các bé vui chơi và nhảy nhót trên những chiếc bạt nhún. Tôi rất vui khi nhìn thấy niềm vui trên gương mặt những đứa trẻ”, Sa’id nói, dù cậu cũng chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi. “Tôi cũng cần tiền để giúp đỡ gia đình mình, nhưng tôi đã vô cùng hạnh phúc với công việc nhân đạo đầy ý nghĩa mà tôi đã làm”, cậu bộc bạch.