Lương cao, cớ gì gen Z vẫn quyết định nghỉ việc?

Bỏ công việc cũ, Hoàng Minh thuận lợi có công việc mới với môi trường và phúc lợi tốt hơn – Ảnh: NVCC

Lương cao không phải là yếu tố quan trọng nhất với gen Z

Đang làm nhân viên marketing cho một công ty bất động sản tại TP.HCM, Hoàng Minh (22 tuổi, ở quận 4) cho biết môi trường làm việc tại công ty tốt, đồng nghiệp thân thiện, hòa đồng, lương cao thưởng ổn, phúc lợi đầy đủ.

Nhớ lại khoảng thời gian làm ở công ty cũ với đồng nghiệp toxic (độc hại), đầu việc rối ren, tăng ca liên tục, Minh cảm thấy may mắn vì đã quyết định “dứt áo ra đi”.

“Điểm cộng duy nhất ở công ty cũ mình là mức lương cao so với một sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên việc chậm lương diễn ra thường xuyên khiến mình nản dần”, Minh nói.

Làm việc ở công ty mới với vị trí tương đương công ty cũ nhưng có mức lương thấp hơn, song Minh hài lòng với lựa chọn này. Minh cho biết mặc dù làm trái ngành, đây là công việc yêu thích của anh. Bất động sản cũng là một lĩnh vực rất hay và đáng để dấn thân.

Làm việc từ xa, Bảo Trân (23 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) không phải đối mặt với môi trường làm việc toxic. Nhưng cô lại cảm thấy lạc lõng vì không thể kết nối với các đồng nghiệp, cũng không nhận được nhiều sự quan tâm từ cấp trên do khoảng cách địa lý.

“Mình nhận ra việc kết nối và giữ mối quan hệ với đồng nghiệp trong công ty rất quan trọng. Vì vậy, mình quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, tìm một công việc mới trong nội thành để tiện cho việc đi lại”, Trân bộc bạch.

Hiện Bảo Trân đã bắt đầu làm việc tại một công ty nước ngoài ở TP.HCM. Cô nhận xét chỗ làm mới có môi trường cởi mở, vui vẻ và luôn nhận được sự hỗ trợ hết mình của anh chị đi trước.

Với cấp độ Junior (nhân viên nhỏ tuổi, ít thâm niên), Trân cảm thấy lương hiện tại không nhiều nhưng vẫn đủ để trang trải cuộc sống. “Mình dành sự ưu tiên cho một công việc có sếp có tâm và đồng nghiệp nhiệt tình hơn là lương thưởng, phúc lợi mà công ty đề xuất”, Bảo Trân bày tỏ.

Môi trường làm việc khuyến khích nhân viên phát triển quan trọng hơn mức lương - Ảnh: Business daily

Môi trường làm việc khuyến khích nhân viên phát triển quan trọng hơn mức lương – Ảnh: Business daily

Mong muốn được công nhận

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ chọn tìm công việc mới vì mong muốn được công nhận và có cơ hội thăng tiến. Như Ánh Trúc (25 tuổi, ở TP Thủ Đức) vừa xin nghỉ việc ở công ty cũ vào tháng 6 để tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn.

Ánh Trúc từng làm content social (nội dung tiếp thị mạng xã hội) cho một công ty ở Biên Hòa (Đồng Nai), với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên Trúc cho biết để có được mức thu nhập đó, cô phải một mình quản lý tất cả nền tảng mạng xã hội của công ty.

Mùa cao điểm, Trúc phải chạy deadline xuyên đêm liên tục để kịp tiến độ. Đôi khi công việc quá tải, thức trắng cả đêm vẫn bị các phòng ban khác chửi xối xả khiến Trúc kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trên hết, Trúc nhận thấy vị trí đang làm ở công ty cũ quá an toàn, dù có làm bao nhiêu năm cũng không thể thăng tiến và nhận được sự công nhận của mọi người.

Mức lương của Trúc sau khi chuyển sang công ty mới giảm rõ rệt, từ 18 triệu đồng/tháng giảm còn 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên với cô, điều đó không quá quan trọng vì đây là mức lương thử việc ở một tập đoàn đa quốc gia. Trong tương lai, mức lương này có thể lên và con đường thăng tiến của cô cũng rộng mở hơn.

“Quan trọng là công việc mới không khiến mình stress khi phải mải miết chạy theo thời cuộc nữa”, Trúc mãn nguyện.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *