Cả phòng xét xử như lặng đi khi vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố công bố bản cáo trạng truy tố Phan Việt Cường phạm tội giết người. Một tổ ấm nhỏ tràn ngập tiếng trẻ thơ phút chốc vỡ tan trong đêm bởi cách hành xử sai lầm của người cha.
Cơn cuồng ghen trỗi dậy
Mới đây TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phan Việt Cường (41 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mức án 17 năm tù về tội giết người.
Theo hồ sơ vụ án, Phan Việt Cường và chị T.T.K.Y. sống chung như vợ chồng từ năm 2019 và có một con chung là cháu T.M.Q. (sinh ngày 22-2-2021). Trong thời gian sống chung, Cường và chị Y. thường xảy ra mâu thuẫn do Cường nghi ngờ Y. có quan hệ tình cảm với người khác.
Đến tháng 6-2022, do không chịu nổi việc Cường chửi và ghen tuông nên chị Y. đã dẫn cháu Q. dọn đến ở nhờ căn nhà trống của người quen chỉ cách nhà Cường khoảng 300m.
Sau đó, Cường đến nhà thuyết phục chị Y. đưa con trở về nhà sống chung với mình, nhưng lúc này chị không đồng ý và đuổi Cường về. Khoảng 16h ngày
14-9-2022, Cường lấy rượu uống một mình tại nhà, đến khi hết rượu Cường đi mua thêm để uống tiếp, trên đường về Cường ghé vào nhà Y. và tiếp tục yêu cầu Y. trở về nhưng chị không đồng ý.
Trở về, Cường nhớ lại việc bị chị Y. xua đuổi và dứt khoát tình cảm, Cường nảy sinh ý định giết Y. sau đó sẽ tự tử.
Cường chuẩn bị sẵn một sợi dây chì dài 20cm, một cây dao có mũi nhọn dài 23cm, một cây kéo bằng kim loại dài 23cm, một thuốc diệt cỏ và một cây thang bằng gỗ tre. Sau đó, Cường đạp xe vác thang trên vai chạy đến nhà Y. đang ở.
Đến nơi Cường dùng dây chì buộc cửa trước không cho Y. chạy thoát ra bên ngoài rồi dùng thang trèo qua hàng rào, lấy kéo cắt vách tôn chui vào bên trong nhà.
Đang ngủ trong nhà, chị Y. nghe tiếng động thức giấc nhưng không đi ra kiểm tra mà nằm trên giường theo dõi. Vài phút sau thấy Cường đi đến gần đầu giường ngủ, Y. chưa kịp phản ứng thì Cường hỏi: “Sao em phản bội anh hoài vậy?”, chị Y. trả lời: “Em có làm gì đâu”.
Cường vén mùng rồi trèo lên giường ngồi đè lên người của Y.. Liền sau đó, Cường lấy dao đâm một nhát từ trên xuống, Y. kịp đưa hai tay lên đỡ, lưỡi dao đâm trúng vào hông phải của cháu Q. đang nằm ngủ sát bên chị Y..
Chưa dừng lại, Cường rút dao ra rồi tiếp tục đâm xuống ngực của Y. nhưng Y. dùng tay trái chụp nắm được cây dao giằng co với Cường làm cây dao rơi ra đồng thời tri hô “Cứu tôi với, cứu tôi với!”.
Sau đó, Y. nhìn thấy trên người của cháu Q. chảy máu la lên “Con chết rồi!” thì Cường mới chịu dừng tay. Khi nghe tiếng kêu cứu, người dân ở cùng xóm đã báo cho lực lượng Công an phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đang đi tuần tra đến hiện trường, sau khi mở được cửa thì Cường bế cháu Q. đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong do mất máu.
Cáo trạng cáo buộc Phan Việt Cường đã sử dụng hung khí sắc nhọn đâm vào ngực chị Y. nhưng trúng một nhát vào vùng hông phải của cháu Q. gây tử vong.
Hành vi của Cường thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, xem thường pháp luật, đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Đứa con có tội với bị cáo không?
Đó là câu hỏi mà hội đồng xét xử hỏi bị cáo Cường khi nhiều lần khai trước tòa cho rằng bị cáo chỉ muốn giết vợ rồi uống thuốc diệt cỏ tự tử chứ không giết con.
“Người xưa nói hổ dữ không ăn thịt con, khi đâm bé Q. bị cáo có nghe con khóc không?”, tòa hỏi. Cường trả lời: “Có nghe con khóc”.
“Bị cáo muốn giết vợ nhưng đâm trúng đứa con trai tử vong, bị cáo có thấy hành động sai lầm của mình không? Bị cáo có thấy có lỗi với con mình không? Giờ đây đứng trước tòa, bị cáo có nhớ con không? Con bị cáo có sống lại được không?”, vị thẩm phán trong hội đồng xét xử hỏi Cường.
Ngồi phía dưới, chị Y. liên tục lấy tay lau nước mắt vì nỗi bất hạnh như ngày một ghì chặt chị khi chị là người chứng kiến cảnh tượng đau lòng đứa con bé bỏng qua đời vì nhát dao oan nghiệt của cha nó.
Vị chủ tọa phân tích rõ có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn chứ sao có thể giết người? Bị cáo không dùng lời nói mà đòi đánh, hăm dọa thì ai mà về nhà với bị cáo. Bị cáo không xem xét bản thân mình mà chỉ biết đổ lỗi cho người khác như vậy.
“Cường học ít, chủ yếu làm thuê, còn tôi chỉ ở nhà chăm sóc con. Ngày thường Cường cũng hay uống rượu, khi say xỉn lại ghen này ghen nọ, rồi nhiều lần hăm dọa nên tôi dắt con dọn đi chỗ khác ở.
Hôm đó, bị cáo Cường chỉ lo tấn công đâm, bóp cổ tôi đến khi tôi la lên con chết rồi thì Cường mới chịu dừng tay…”, chị Y. khai.
Vị đại diện viện kiểm sát phát biểu quan điểm, hành vi của bị cáo bị bắt quả tang thể hiện rõ mục đích giết người, chị Y. không chết là ngoài ý muốn. Việc ghen tuông chị Y. có người đàn ông khác đã có từ rất lâu, bị cáo nhiều lần đe dọa làm chị Y. phải đưa con bỏ đi.
“Hôm xảy ra vụ án, tuy đêm khuya ánh sáng chủ yếu từ bóng đèn cà na phát ra nhưng cũng đủ để nhìn thấy được mọi thứ. Nhưng do ghen tuông mù quáng, bị cáo bất chấp thực hiện hành vi giết người gây ra mất mát không thể bù đắp cho chính gia đình mình”, vị đại diện viện kiểm sát nói.
Ngồi lọt thỏm giữa phòng xử án chờ nghị án, bị cáo Cường luôn cúi đầu không dám nhìn lên. Có lẽ trong giây phút sắp đối diện với hình phạt do tội lỗi mình gây ra thì Cường ăn năn hối cải, nhưng có chăng sự ăn năn đó đã quá muộn màng khi bé Q. đã vĩnh viễn mất đi khi chưa tròn 2 tuổi?
Số phận quá ngắn ngủi của bé Q. cũng là vết thương khó lành của một người mẹ như chị Y. Giờ đây người mẹ ấy chỉ có thể nhìn đứa con bé bỏng của mình qua di ảnh.
Nỗi nhớ con cũng chỉ có thể nhớ về những ký ức tươi đẹp về con trong căn nhà nhỏ chứ chẳng thể một lần nào nữa được ôm con vào lòng.
Giết người vì động cơ đê hèn
Hội đồng xét xử nhận định các lời khai hoàn toàn phù hợp với chứng cứ thu thập được trong vụ án. Chỉ vì ghen tuông mà bị cáo có ý định giết chị Y..
Bị cáo chuẩn bị nhiều dụng cụ rồi tìm chị Y. để giết. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại tính mạng sức khỏe người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Bị cáo thực hiện hành vi giết người vì động cơ đê hèn, giết người dưới 16 tuổi, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bị hại Y. không chết là ngoài ý muốn của bị cáo.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên hội đồng xét xử đã tuyên mức án trên.