Chính sách “vị công bố” (ưu tiên công bố bài báo khoa học quốc tế) mặc dù có những lợi ích nhất định trong việc thúc đẩy xuất bản khoa học và phổ biến tri thức nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển bền vững của khoa học.
Chính sách công nhận, tính điểm các công trình được xuất bản trong khoa học nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học (NCKH) và thúc đẩy việc công bố các kết quả NCKH trên các tạp chí, hội nghị hoặc các nền tảng học thuật.
Không ai có thể phủ nhận được lợi ích của việc công bố các công trình NCKH qua các bài báo trong việc phổ biến tri thức, kết quả nghiên cứu, thúc đẩy tiến bộ khoa học đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại và tạo cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo.
Hơn nữa công bố khoa học còn giúp các nhà nghiên cứu nhận được sự công nhận từ cộng đồng khoa học, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển sự nghiệp.
Ở Việt Nam, chính sách về công bố công trình khoa học qua các bài báo, giáo trình và các công trình khác được quy định trong các điều kiện để đào tạo sau đại học, trong xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư và ngay cả trong tiêu chuẩn trường đại học.
Tuy nhiên thời gian qua việc thực hiện chính sách công bố NCKH đã dẫn đến những hệ lụy không mong muốn khiến một số nhà khoa học có hạng ở Việt Nam bị rút các bài báo do vi phạm liêm chính học thuật. Chưa kể một số tác giả đứng tên ở nhiều bài báo khác nhau mà chưa rõ có đóng góp thực sự vào công trình đó hay không.
Một số trường đại học nhờ số công bố NCKH mà chỉ số xếp hạng được nâng cao khiến những người trong làng giáo dục đại học Việt Nam rất bất ngờ vì họ quá hiểu những trường thuộc loại tầm tầm này.
Ngay cả trong việc xét duyệt chức danh GS, PGS, Nhà nước quy định rất rõ ràng về công trình công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín và có cả hội đồng chuyên môn thẩm định, nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được chất lượng công trình và những hành vi thiếu liêm chính trong công bố NCKH.
Hội đồng đánh giá đôi khi không đủ năng lực hoặc thiếu sự độc lập trong việc kiểm duyệt, dẫn đến việc chấp nhận các công trình không đạt chất lượng.
Một khi quá coi trọng về số lượng công bố công trình, người ta còn gọi là “vị công bố”, sẽ coi nhẹ chất lượng và các chuyển giao kết quả nghiên cứu cũng như những tác động của NCKH thì việc công bố nhiều cũng mang lại ít giá trị và cho thấy những mặt trái của nó.
Trước hết là chất lượng nghiên cứu bị đe dọa khi người nghiên cứu bị áp lực phải xuất bản nhiều bài báo để đáp ứng các tiêu chí đánh giá, họ có thể đặt nặng vào số lượng hơn là chất lượng, tạo ra những bài báo được công bố với chất lượng kém, không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm uy tín của các tạp chí khoa học và cộng đồng nghiên cứu.
Việc tập trung vào số lượng công bố có thể làm giảm động lực đối với những nghiên cứu đột phá, dài hạn và có tính rủi ro cao.
Các nhà khoa học có thể ngại đưa ra những dự án nghiên cứu mới mẻ và sáng tạo do lo ngại về khả năng công bố nhanh chóng và dễ dàng. Điều này dẫn đến việc nhiều nghiên cứu tiềm năng bị bỏ qua, ảnh hưởng đến tiến bộ khoa học trong dài hạn.
Áp lực phải công bố có thể dẫn đến các hành vi phi đạo đức như làm giả số liệu, sao chép hoặc thao túng kết quả nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu xuất bản.
Những hành vi này không chỉ làm suy giảm lòng tin của cộng đồng NCKH mà còn gây hại đến tính liêm chính. Ngoài ra áp lực xuất bản nhiều bài báo có thể khiến các nhà khoa học dành ít thời gian hơn cho giảng dạy và hướng dẫn sinh viên.
Các vụ bê bối liên quan gian lận khoa học ở nước ta như báo chí nêu ra khi tác giả nổi tiếng bị rút bài, bác tư cách thẩm định bài báo… đã từng xảy ra và để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với uy tín của các nhà nghiên cứu và trường đại học nơi những người này đứng tên.
Rõ ràng chính sách ưu tiên “tính điểm” trong các công bố khoa học có mặt tích cực nhưng cũng xuất hiện những tiêu cực cần ngăn chặn. Nhà nước cần có quy định cụ thể hơn khi quy định số lượng bài báo gắn với đánh giá chất lượng và hiệu quả chuyển giao kết quả nghiên cứu, tầm ảnh hưởng của nghiên cứu, các ý kiến của cộng đồng khoa học để xem xét các bài báo có đóng góp thực sự vào kiến thức và ứng dụng thực tế, gắn công trình NCKH vào việc giảng dạy ở trường đại học thay vì chỉ đánh giá dựa trên số lượng bài báo.
Ngoài ra nghiên cứu cần xây dựng và thực thi các quy tắc đạo đức nghiên cứu chặt chẽ, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, sao chép và làm giả dữ liệu hoặc đứng tên trong các công trình để đăng bài mà không đóng góp thực vào giá trị của bài báo.
Cần thiết phải có những biện pháp đánh giá toàn diện và cân bằng hơn, kết hợp giữa số lượng và chất lượng nghiên cứu, nhấn mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu, đồng thời khuyến khích những nghiên cứu đột phá và sáng tạo. Chỉ khi đó khoa học mới thực sự phát triển và đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của nhân loại.