Chỉ từ vài trăm nghìn đồng, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một máy quét dò các thiết bị nghe lén, các camera giấu kín. Nhưng cũng có những sản phẩm giá đến hơn chục triệu đồng được rao bán tràn lan trên các chợ mạng, sàn thương mại điện tử.
Thượng vàng hạ cám có đủ
Từ hướng dẫn của bạn bè, chị Thu (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đã lên mạng mua một chiếc máy được quảng cáo có thể phát hiện gần như mọi thiết bị nghe lén, camera quay lén phổ biến hiện nay. Giá bán chỉ chưa đến 300.000 đồng.
“Bên bán cho biết máy có thể phát hiện các thiết bị nghe lén từ xa dùng SIM điện thoại, các camera có khả năng truyền dữ liệu qua sóng WiFi, các loại máy ảnh, camera giấu kín dùng đèn hồng ngoại”, chị Thu cho biết.
Theo chị Thu, máy sẽ kêu lên hoặc rung, đồng thời nháy đèn khi phát hiện thiết bị nghe lén, camera WiFi trong phạm vi dò tìm. Cường độ báo động mạnh hay nhẹ tùy vào khoảng cách giữa máy và thiết bị nghe lén, camera quay lén.
“Tôi dùng thử vài lần thấy nhiều lúc máy báo động loạn xạ, không biết cái gì đang nghe lén hay quay lén mình, nhưng thôi cứ đề phòng khi cần dùng”, chị Thu chia sẻ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên các chợ mạng bày bán tràn lan các sản phẩm dò tìm, phát hiện thiết bị nghe lén, camera quay lén. Nhiều sản phẩm có thương hiệu quen thuộc như Xiaomi, Baseus nhưng cũng rất nhiều sản phẩm chỉ có những cái tên như: K18, K56, T01, X13, T13, Y3… Giá bán cũng thượng vàng hạ cám từ 50.000 đồng đến hàng triệu đồng.
Chẳng hạn thiết bị có giá bán chỉ 50.000 đồng, được thiết kế vô cùng nhỏ gọn chỉ như một chiếc móc khóa, có thể dễ dàng bỏ túi mang theo. Sản phẩm có thể cắm trực tiếp vô cổng USB-C trên điện thoại Android hoặc Lightning trên điện thoại iPhone để lấy nguồn điện.
Theo quảng cáo của nhà bán hàng, Virwir có thể phát hiện “tất cả các loại camera ẩn lỗ kim”.
Cao cấp hơn là sản phẩm được giới thiệu có khả năng phát hiện các tín hiệu RF (sóng vô tuyến) từ 1MHz – 8GHz, các camera ẩn bằng cách sử dụng đèn LED mạnh để tạo phản xạ từ ống kính.
Sản phẩm có giá trong khoảng từ 2 – 3,5 triệu đồng. Thậm chí có sản phẩm mức giá lên đến 9 – 12 triệu đồng có màn hình hiển thị số để chỉ thị cường độ tín hiệu và tần số, có chức năng lọc nhiễu để phát hiện tín hiệu chính xác hơn…
Vẫn có thể bị qua mặt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Vũ Thanh Quang, trưởng khoa tin học và công nghệ truyền hình, Trường cao đẳng Truyền hình (Hà Nội), cho biết có thể chia các thiết bị dò tìm camera quay lén theo các công nghệ cụ thể.
Chẳng hạn thiết bị quét tần số vô tuyến (RF) sử dụng ăng ten để thu nhận sóng vô tuyến do camera ẩn phát ra, bao gồm tín hiệu WiFi, Bluetooth hoặc tín hiệu từ bộ điều khiển từ xa đi kèm.
Loại thiết bị này hiệu quả với nhiều loại camera, đặc biệt là camera sử dụng WiFi để truyền dữ liệu. Tuy nhiên, khả năng phát hiện có thể bị ảnh hưởng bởi nhiễu từ các thiết bị điện tử khác trong môi trường xung quanh.
Thứ hai là loại phát hiện tín hiệu hồng ngoại (IR) sử dụng cảm biến nhạy cảm với ánh sáng hồng ngoại để phát hiện đèn LED hồng ngoại, thường được sử dụng trong camera quay lén để hỗ trợ quay video ban đêm.
Theo ông Quang, thiết bị này có hiệu quả cao trong điều kiện thiếu sáng, có khả năng phát hiện camera ẩn được giấu kín. Tuy nhiên không thể phát hiện camera không sử dụng đèn LED hồng ngoại.
Tuy nhiên, theo bà Ánh Hồng – đại diện hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ 24hStore, một số camera quay lén trên thị trường có thể qua mặt thiết bị dò tìm. Chẳng hạn camera không dây với tín hiệu mã hóa, camera có dây không phát ra tín hiệu vô tuyến… có thể qua mặt các thiết bị quét RF thông thường.
Một loại khác là camera siêu nhỏ với thiết kế đặc biệt có thể tránh phát hiện bởi các thiết bị phản xạ ánh sáng và hồng ngoại. Chúng thường được ngụy trang dưới dạng các vật dụng thông thường như nút áo, bút viết, hoặc các vật dụng trang trí khác…
Kết hợp nhiều biện pháp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS, khẳng định nhiều loại camera được thiết kế để qua mặt các thiết bị dò tìm nhờ vào các đặc điểm như không phát tín hiệu RF, không phản chiếu ánh sáng…
ThS Vũ Thanh Quang cũng khuyến cáo người dùng: “Không nên tin tưởng hoàn toàn vào các thiết bị dò tìm camera quay lén, chúng có một số hạn chế. Ngoài ra còn có thể có tình trạng báo động giả do nhiễu từ”.
Theo bà Ánh Hồng, người dùng có thể kết hợp nhiều biện pháp khác như sử dụng đèn pin chiếu vào các bề mặt nghi ngờ để phát hiện phản xạ ánh sáng từ ống kính camera trong điều kiện thiếu sáng.
Người dùng còn có thể kiểm tra danh sách các thiết bị kết nối vào mạng WiFi trong nhà để phát hiện các thiết bị không rõ nguồn gốc kết nối vào mạng để truyền dữ liệu. Hoặc có thể sử dụng máy dò từ trường để phát hiện sự thay đổi trong từ trường.
Cách đơn giản nhất để dò tìm
Theo ông Trần Thái Hiếu – kỹ thuật viên trưởng của Viện Di động, có nhiều cách để người dùng có thể dò tìm camera quay lén trong nhà mình hoặc nơi nghi ngờ.
“Cách đơn giản nhất là hãy tắt hết đèn trong phòng, mở đèn pin điện thoại và để màn hình ở chế độ quay. Sau đó hãy di chuyển điện thoại đến tất cả các vị trí bạn nghi ngờ có camera quay lén, nếu có, trên màn hình điện thoại sẽ có đốm sáng vì đèn LED của camera phản chiếu lại đèn flash trên điện thoại”, ông Hiếu nói.
Có thể sử dụng phần mềm quét bằng camera trên martphone
Bà Ánh Hồng cho hay để đảm bảo an toàn và bảo mật tối đa, nên kết hợp sử dụng nhiều loại thiết bị dò tìm khác nhau và tuân thủ các biện pháp bảo vệ bổ sung. Ví dụ, người dùng có thể sử dụng phần mềm quét bằng camera trên smartphone như Hidden camera detector, Glint finder, Hidden IR camera detector…
Các phần mềm này hoạt động bằng cách sử dụng camera của smartphone để quét tìm các ống kính camera ẩn thông qua phản xạ ánh sáng hoặc phát hiện tia hồng ngoại. Một số ứng dụng cũng có thể quét tín hiệu WiFi để tìm các thiết bị khả nghi.
“Các ứng dụng này có thể phát hiện các camera quay lén trong một số trường hợp, đặc biệt là khi sử dụng trong không gian tối hoặc có ít ánh sáng. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng thường không cao bằng các thiết bị chuyên dụng và có thể bị hạn chế bởi chất lượng camera của smartphone và khả năng xử lý của phần mềm”, bà Hồng cho biết.