Ngày 17-9, hàng trăm máy nhắn tin do các thành viên Hezbollah và những người khác sử dụng đã phát nổ trên khắp Lebanon, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hezbollah tuyên bố cuộc tấn công do Israel chủ mưu. Phía Tel Aviv chưa đưa ra phản hồi chính thức về cáo buộc này.
Hiện chưa thể kết luận liệu Israel có đứng sau vụ nổ máy nhắn tin ngày 17-9 hay không. Tuy nhiên giới quan sát quốc tế cho rằng các nước có cơ sở để chuyển sự nghi ngờ sang Israel, vì đây là cường quốc duy nhất trong khu vực sở hữu mạng lưới tình báo tinh nhuệ, với khả năng triển khai các cuộc tấn công táo bạo và tinh vi tương tự.
Tình báo Mossad bị nghi chủ mưu vụ nổ máy nhắn tin
Báo The Guardian ngày 17-9 cho rằng có thể Israel chưa hoặc không nhận trách nhiệm về việc làm phát nổ hàng trăm máy nhắn tin ở Lebanon, nhưng vụ việc này gần như chắc chắn là do tình báo Mossad của nước này thực hiện.
Các cơ quan tình báo Israel từng ám sát hàng loạt lãnh đạo của Hamas và Hezbollah trong lịch sử. Thế nhưng tình hình Trung Đông sẽ leo thang đáng kể nếu vụ nổ máy nhắn tin thực sự do Israel thực hiện.
Một số báo cáo ban đầu cho thấy các máy nhắn tin trong vụ nổ được Hezbollah đặt hàng từ Công ty Gold Apollo của Đài Loan. Giới chức Lebanon khẳng định tình báo Mossad đã can thiệp vào khâu sản xuất của những thiết bị này.
Nhà văn người Israel Yossi Melman – tác giả của nhiều cuốn sách về tình báo Israel – cho biết Mossad đã thâm nhập vào Hezbollah nhiều lần để thu thập thông tin tình báo.
Tuy nhiên ông Yossi Melman đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin ngày 17-9, vì vụ việc khiến một bé gái vô tội thiệt mạng khi chỉ mới 10 tuổi.
“Điều này làm tăng nguy cơ khủng hoảng biên giới leo thang thành chiến tranh”, ông Yossi Melman nhận định, đồng thời cho rằng hành động của Israel giống như “một dấu hiệu của sự hoảng loạn” hoặc một kế hoạch trả đũa, hơn là một chiến lược được suy tính kỹ lưỡng.
Nhà văn người Israel thừa nhận Mossad có khả năng tấn công vào bên trong Hezbollah, tuy nhiên cuộc tấn công không thực sự nhắm chính xác mục tiêu và không làm thay đổi bức tranh chiến lược toàn diện trong khu vực.
Lịch sử dùng thiết bị công nghệ để ám sát kẻ thù
Các điệp viên Israel đã có kinh nghiệm sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ để theo dõi, giám sát và thậm chí ám sát kẻ thù trong nhiều thập kỷ qua.
Năm 1972, các đặc vụ Mossad đã lắp một thiết bị nổ vào chiếc điện thoại của ông Mahmoud Hamshari, đại diện Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thủ đô Paris (Pháp).
Đến tháng 12-1972, một nhóm Israel gần đó đã kích nổ từ xa khi ông Mahmoud Hamshari đang nhận cuộc gọi, khiến ông mất một chân và qua đời vài tuần sau đó. Đây là một phần trong chiến dịch trả thù PLO sau vụ tổ chức này sát hại 11 vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich 1972.
Năm 1996, Cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel đã ám sát thành công chuyên gia chế tạo bom khét tiếng của Hamas, ông Yahya Ayyash, khi ông đang nghe điện thoại, nhờ vào 50g chất nổ được bí mật gắn vào điện thoại ông này.
Tạp chí Financial Times đánh giá đây là hai trường hợp kinh điển cho việc Israel sử dụng điện thoại để theo dõi và ám sát thành công các đối tượng thù địch.