Mỗi giải pháp, mô hình qua thời gian thử nghiệm đã chứng minh việc cần phải có và được vận dụng hiệu quả vào thực tế, góp phần làm cho phong trào sinh viên ngày càng lan tỏa.
Chúng mình hy vọng mỗi người, nhất là sinh viên và các bạn trẻ, trang bị cho mình kỹ năng về sơ cấp cứu để biết cách xử trí khi bản thân hoặc người khác gặp nguy hiểm sẽ giúp giảm thiểu những vụ việc đau lòng.
HUỲNH VŨ ANH THƯ
Trạm dừng cảm xúc
Thống kê năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới có đến 25% dân số bị stress rất đáng chú ý. Ghi nhận thực tế số học sinh, sinh viên tại TP.HCM có các hội chứng liên quan trầm cảm tìm đến khám tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu gia tăng. Những điều này cho thấy cần phải hành động trước vấn đề sức khỏe tâm thần của sinh viên.
Và dự án “Trạm dừng cảm xúc” được Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM ra mắt, gắn với đề tài nghiên cứu “Lo âu, trầm cảm và các yếu tố liên quan ở sinh viên các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM” do PGS.TS.BS Châu Văn Trở – trưởng phòng khám đa khoa (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) – làm chủ nhiệm.
Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM ký ghi nhớ với tổ chức phi lợi nhuận Ruy băng tím. Qua đó kết nối chuyên gia y tế, khoa học và tâm lý học thực hiện sổ tay tâm lý, cẩm nang tư vấn cùng chuỗi chương trình tương tác nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong khuôn khổ dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên TP.HCM”.
Bộ sản phẩm tuyên truyền “Sức khỏe tâm thần sinh viên và những điều cần biết” được thực hiện cùng với kênh podcast “Trạm dừng cảm xúc” trên nền tảng mạng xã hội Waka. Kênh podcast đã lập kỷ lục với hơn 1 triệu lượt nghe chỉ sau 20 ngày phát hành, hiện vẫn có lượng truy cập thường xuyên.
Các chủ đề xoay quanh chia sẻ: bao dung với bản thân, áp lực vực bản lĩnh… của chuyên gia cùng các tâm tình giúp sinh viên giải tỏa tâm lý, đánh động ý thức và biết quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần.
Phổ cập kiến thức sơ cấp cứu của sinh viên
“Trung tâm phổ cập kiến thức sơ cấp cứu” của Hội Sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM là một trong bốn mô hình tại TP.HCM nhận Giải thưởng 9-1 đợt này. Bạn Huỳnh Vũ Anh Thư – trưởng ban điều hành – dẫn thông tin từ Bộ Y tế nói tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở nước ta tới 11%, chỉ sau bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%). Khoảng 900.000 trẻ em toàn thế giới tử vong vì tai nạn, thương tích mỗi năm. Còn Việt Nam mỗi ngày vẫn có cả trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích.
Anh Thư cho rằng đừng xem sơ cấp cứu chỉ như lựa chọn mà cần là yêu cầu bắt buộc với mọi người và cộng đồng. Vì chưa phổ biến trong cộng đồng, cũng chưa được giảng dạy tại các trường học ở Việt Nam nên các bạn mong việc làm của mình như cách góp vào mục tiêu “vì một Việt Nam an toàn và nghĩa tình”.
Trung tâm đã ra đời từ tháng 6-2023 giúp chia sẻ kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đến cộng đồng, đặc biệt là sinh viên, các bạn trẻ. Kiến thức rất cơ bản được chia sẻ tạo sự tương tác với người tiếp cận qua từng buổi học. Ngoài ra còn cập nhật các ấn phẩm sinh động, sáng tạo trên mạng xã hội, các buổi chia sẻ tại khu dân cư.
Dù ra mắt chưa lâu song trung tâm đã phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu đến hơn 4.000 người gồm học sinh, sinh viên, giáo viên và người dân. Trung tâm cũng ra mắt ứng dụng sơ cấp cứu trên điện thoại với hai tính năng: sơ cứu nhanh và học sơ cứu chuyên sâu. Cùng với đó là bộ giáo án giảng dạy sơ cấp cứu theo độ tuổi được soạn thảo theo chuẩn quốc tế, có sự kiểm duyệt. Đến nay fanpage của trung tâm đã có hơn 12.000 lượt theo dõi, tìm hiểu.
“Trung tâm có chiến dịch “Thợ săn tin sai” trên mạng xã hội với hy vọng thay đổi nhận thức về các phương pháp sơ cấp cứu sai phổ biến trên phim ảnh hay truyền miệng dân gian ảnh hưởng xấu đến nạn nhân trong các tình huống cần sơ cứu. Cả chiến dịch “Môn học mới” kêu gọi cộng đồng ủng hộ việc đưa sơ cấp cứu thành môn học bắt buộc trong giảng dạy chính quy”, Anh Thư kỳ vọng.
Mỗi cách làm đều là sự nỗ lực sáng tạo
“Nâng tầm sinh viên 5 tốt – Rise Your Super 5” và “Hành trình Chín Tháng Giêng” là hai mô hình còn lại của TP.HCM cùng nhận Giải thưởng 9-1 năm nay. Trong đó, “Nâng tầm sinh viên 5 tốt” (Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) tập trung kết nối các gương “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu với doanh nghiệp qua sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng.
Các bạn mở ra cơ hội kết nối cho sinh viên bằng việc ký kết, phối hợp với doanh nghiệp hiện thực hóa các đề tài nghiên cứu do “Sinh viên 5 tốt” làm chủ nhiệm, góp phần cùng giải quyết những thách thức của doanh nghiệp. Mô hình này từng bước khẳng định vai trò và được sinh viên ủng hộ.
Còn “Hành trình Chín Tháng Giêng” được Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM thực hiện với kỳ vọng giáo dục về truyền thống phong trào học sinh – sinh viên gắn với phát huy “Không gian truyền thống phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM”, thực hiện cuộc vận động “TP.HCM – thành phố tôi yêu”.
Đó còn là cách cụ thể hóa chương trình “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sinh viên TP giai đoạn 2023-2028” đã được đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2023-2028) thông qua.
“Chúng tôi muốn phát huy vai trò tổ chức Hội, sự chủ động của các cơ sở Hội, tăng các sản phẩm truyền thông sáng tạo trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống phong trào học sinh – sinh viên và Hội Sinh viên cho hội viên, sinh viên”, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM chia sẻ.