Chiều 2-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.
Sổ sức khỏe điện tử tiết kiệm hơn 1.000 tỉ đồng mua y bạ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục đích cuối cùng trong xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là phục vụ nhân dân.
Đến nay, chuyển đổi số đã đến với từng người, mang lại tiện ích cho người dân; với việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số…
Thủ tướng nêu rõ, hội nghị được tổ chức với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, thống nhất nhận thức, đồng tâm hành động để triển khai mở rộng thí điểm hai tiện ích nói trên trên phạm vi toàn quốc.
Điều này góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số đóng góp 30% cho nền kinh tế.
Theo báo cáo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đến nay đã tạo lập được 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Về giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám, đã tạo lập được hơn 911.000 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, hơn 2 triệu dữ liệu về giấy hẹn khám lại.
Kết quả này đã giúp hằng năm ước tính tiết kiệm khoảng 1.150 tỉ đồng tiền mua y bạ cho 230 triệu lượt khám bệnh.
Ông Nguyễn Tri Thức – thứ trưởng Bộ Y tế – cho biết triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử có ý nghĩa rất lớn với người dân và toàn ngành y tế.
Sổ sức khỏe điện tử có nhiều thông tin bao gồm thông tin hành chính, tiền sử dị ứng, công tác tiêm chủng, tiền sử dị ứng… Tất cả thông tin cơ sở khám chữa bệnh, triệu chứng, xét nghiệm, toa thuốc, tóm tắt bệnh án đều được nhập vào hồ sơ sức khỏe điện tử.
Như vậy, bức tranh tổng thể về sức khỏe con người, mỗi đợt điều trị sẽ được thu thập những thông tin cơ bản và quan trọng.
Đặc biệt là tích hợp giấy chuyển tuyến và giấy hẹn tái khám, ứng dụng trên VneID giúp người dân thuận lợi khi chuyển lên tuyến trên điều trị.
Bệnh viện Bạch Mai tốn 50 tỉ mỗi năm để chụp phim cho người bệnh
Báo cáo tại hội nghị, ông Đào Xuân Cơ – giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – cho hay bệnh viện là tuyến cuối của phía Bắc, hằng năm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 2 triệu bệnh nhân ngoại trú và 200.000 bệnh nhân nội trú, thực hiện 2 triệu xét nghiệm huyết học, hóa sinh với dữ liệu khổng lồ.
Theo ông Cơ, hiện nay hầu hết các nước phát triển đã có bệnh án điện tử. Còn Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác phải đi mua phim về để in cho người bệnh.
Ước tính mỗi năm bệnh viện này tiêu tốn 50 tỉ đồng tiền phim, rất tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường mà dữ liệu nhanh mất.
“Nếu chúng ta có bệnh án điện tử, tích hợp chuyển dữ liệu từ tuyến xã, tuyến tỉnh, tuyến trung ương không cần phải chụp phim sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn.
Đặc biệt khi có bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giúp bác sĩ hội chẩn trực tiếp căn cứ dữ liệu điều trị cho người bệnh rất hiệu quả.
Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai đang có kho dữ liệu khổng lồ, nhưng là dữ liệu chết. Phải số hóa để làm sống lại khu dữ liệu đó.
Làm được điều này sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành y Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế”, ông Cơ nói.
Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho hay TP đã triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện TP Thủ Đức, qua đó đã xử lý tổng số 45.328 hồ sơ chuyển viện đạt tỉ lệ 100%.
Đồng thời, 100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn TP cam kết và đã thực hiện chuyển dữ liệu theo quy định lên cổng giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong thời gian tới, TP sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trên, trong đó tập trung các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID.
Dự kiến sẽ ban hành, triển khai chính thức trên địa bàn TP sau khi tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, trong tháng 10-2024.
Chính phủ giao Bộ Y tế phải chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm xây dựng đề án chuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đề án 06 về lộ trình trong tháng 10-2024.
Mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử.