Đó là chia sẻ của ông Đặng Bùi Khuê – giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam tại Hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững” diễn ra ngày 26-7 tại TPHCM.
Báo cáo cáo phát triển bền vững là báo cáo đánh giá, công bố các hoạt động của một doanh nghiệp trong ba lĩnh vực: môi trường (environmental), xã hội (social), và quản trị (governance).
Đây là công cụ giúp doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với trách nhiệm xã hội cho các nhà đầu tư, khách hàng, và các bên liên quan.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp đang tự công bố báo cáo phát triển bền vững như một cam kết về năng lực và văn hóa doanh nghiệp để gọi vốn, vay vốn.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Đặng Bùi Khuê – giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam – cho hay việc đánh giá ESG là một quá trình dài và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, để có một báo cáo ESG chất lượng, cần phải có lộ trình dài hạn phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp trung bình, quá trình này có thể mất từ 3-5 năm. Tuy nhiên, với các tập đoàn lớn, quá trình này có thể kéo dài từ 5-10 năm hoặc hơn. Ví dụ, Heineken đã trải qua hàng chục năm để hoàn thiện báo cáo ESG của mình.
Tuy nhiên, ông Khuê cho hay không ít doanh nghiệp tìm đến đơn vị tư vấn, đặt hàng thực hiện báo cáo ESG trong thời gian ngắn, với mục tiêu làm đẹp hình ảnh. Báo cáo phát triển bền vững theo đó chỉ xoay quanh việc xào nấu số liệu, thiếu dữ liệu hoặc không có kế hoạch hành động cụ thể.
“Một báo cáo về ESG cần lộ trình làm từ 3-5 năm, không thể làm nhanh trong 3 ngày hay 1 tháng.
Hiện tại có nhiều phần mềm thậm chí chỉ cần nhập sẵn số liệu sẽ tự viết ra báo cáo ESG song việc công bố ra bên ngoài những báo cáo ESG không chân thực sẽ làm giảm niềm niềm tin của khách hàng, hậu quả về lâu về dài vô cùng nguy hiểm”, ông Khuê cảnh báo.
Tương tự, tiến sĩ Phạm Minh Tuấn – giám đốc kỹ thuật ESG của công ty Tư vấn và đào tạo SMP – cho rằng doanh nghiệp cần phải xây xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về ESG như phát triển bộ tiêu chuẩn chung, nghiêm túc giám sát và thẩm tra, minh bạch về bù đắp carbon, cải thiện chất lượng dữ liệu,…
Theo các diễn giả, mỗi công ty cần kế hoạch và lộ trình đồng bộ cho ESG, kế hoạch này cần bao gồm các bước chi tiết, từ việc thu thập dữ liệu, xây dựng hệ thống quản lý, đến việc đào tạo nhân viên và đảm bảo tính minh bạch của báo cáo.
Chỉ khi có một lộ trình rõ ràng và chi tiết, doanh nghiệp mới có thể đạt được các tiêu chuẩn ESG một cách hiệu quả và bền vững.