Theo Hãng tin Sputnik, ngày 12-7 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Mỹ vừa chuyển giao cho Ukraine một hệ thống phòng không Patriot.
Hệ thống này nằm trong gói viện trợ an ninh trị giá 225 triệu USD vừa được Washington công bố hôm 11-7.
Giá trị gói viện trợ này nhanh chóng dấy lên nhiều thắc mắc vì nó bao gồm hệ thống Patriot – loại khí tài phòng không hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ, với trị giá lên đến 1 tỉ USD nếu là hàng mới.
Lý giải điều này, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống được chuyển cho Ukraine “đã cũ” khiến giá trị giảm đáng kể.
Vị này cho biết: “Chúng tôi đang trao (cho Ukraine) khí tài cũ trong kho quân giới. Giá trị của chúng đã giảm so với giá trị mua mới. 100 triệu USD là giá trị khấu hao của hệ thống Patriot vừa được chuyển giao”.
Tuy nhiên quan chức trên không nêu rõ lý do vì sao hệ thống Patriot cũ lại mất giá đến 90% so với hàng mới.
Bên cạnh hệ thống này, gói viện trợ trên còn bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không đất đối không NASAMS, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, tên lửa Stinger, các hệ thống Javelin, AT-4, đạn pháo các loại…
Tất cả đều được viện trợ thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (Presidential Drawdown Authority – PDA). Quyền này cho phép tổng thống Mỹ viện trợ cho nước ngoài các khí tài lấy trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó sẽ dùng phần ngân sách đã được Quốc hội thông qua để mua mới trang thiết bị nhằm bù đắp phần khí tài được đem tặng trên.
Phía Ukraine hiện chưa phản hồi về thông tin này.
Nga tuyên bố tháo rời xong tên lửa tầm xa phương Tây
Cũng theo Sputnik, ngày 13-7, một kỹ sư quân sự Nga khẳng định đội ngũ chuyên gia nước này đã hoàn thành việc tháo rời các bộ phận trên xác một tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP từng bị Nga bắn hạ.
Đây là dòng tên lửa tầm xa do Anh và Pháp phối hợp nghiên cứu và phát triển, được phương Tây viện trợ cho Ukraine từ năm 2023 và đã được Ukraine sử dụng tích cực trong nhiều hoạt động quân sự.
Kỹ sư trên chia sẻ: “Chúng tôi đã tháo rời hệ thống treo và công tắc chính – cả hai nằm ở phần trung tâm tên lửa, cũng như toàn bộ mạch điện và dây dẫn”.
Chúng tôi làm như vậy nhằm kiểm soát một cách khách quan các thay đổi sau này liên quan đến thiết kế của loại tên lửa trên”.
Matxcơva kỳ vọng việc làm trên sẽ giúp các chuyên gia kỹ thuật chỉ ra được liệu phía Ukraine hoặc phương Tây có điều chỉnh, thêm bớt linh kiện hay “độ chế” gì dòng tên lửa này không khi xác chiếc Storm Shadow/SCAPL tiếp theo “lên bàn mổ”.
Qua đó quân đội Nga có thể hiểu thêm về dòng tên lửa tầm xa này để có phương án đối phó tối ưu hơn.