Theo Hãng tin Reuters, trước đó vào ngày 17-9, Cơ quan An toàn hạt nhân và phóng xạ Na Uy (DSA) thông báo đã đo được mức độ “rất thấp” của chất phóng xạ caesium tại Svanhovd và Viksjoefjell, gần biên giới Bắc Cực với Nga.
Cơ quan này phát hiện mức tăng chất phóng xạ caesium tại Svanhovd từ ngày 9 đến 16-9 và tại Viksjoefjell từ ngày 5 đến 12-9, song khẳng định mức độ này không gây nguy hiểm cho con người hoặc môi trường.
Trong thông báo cập nhật vào ngày 18-9, cơ quan này lưu ý: “DSA luôn tìm thấy caesium tại tất cả các trạm lọc không khí ở Na Uy, và thường xuất phát từ bụi từ lượng phóng xạ cũ trong thảm họa Chernobyl. Lần này, rất có thể do cháy rừng xung quanh Chernobyl”.
Cơ quan bức xạ và hạt nhân của Phần Lan cũng cho biết rằng đã phát hiện nồng độ caesium cao hơn một chút tại tất cả tám trạm thu thập của cơ quan này và cũng khẳng định lượng phát hiện được “rất nhỏ”.
Trước đó ngày 9-9, Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine (DSNS) cho biết khoảng 400 lính cứu hỏa đã tham gia dập tắt một vụ cháy ở khu đất trống tại khu vực Kiev.
Các chuyên gia đã tiến hành đánh giá và nhận thấy mức phóng xạ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Tuyên bố không nêu cụ thể vị trí vụ cháy, nhưng một phát ngôn viên của DSNS sau đó đã xác nhận với Hãng tin Pravda của Ukraine rằng vụ cháy diễn ra trong vùng cấm Chernobyl.
Cơ quan hạt nhân của Phần Lan cho biết: “Chúng tôi đã suy đoán phát thải có khả năng bắt nguồn từ các vụ cháy rừng ở Ukraine và có thể nó đã đưa phóng xạ vào không khí”.
Khi được hỏi về các chỉ số phóng xạ cao vào ngày 18-9, Điện Kremlin cho biết các cơ quan của Nga không phát đi bất kỳ cảnh báo nào về mức độ phóng xạ cao trong khí quyển và cũng không có mối đe dọa với sức khỏe con người.
Ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Liên Xô mất kiểm soát, dẫn đến một vụ nổ, làm tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân và phát tán một lượng lớn phóng xạ vào khí quyển.
Vụ tai nạn này đã phát tán Iodine-131, Caesium-134 và Caesium-137 khắp các khu vực phía bắc Ukraine, Belarus, Nga, bắc và Trung Âu.