Chiều 17-9, ông Trần Văn Phúc – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định – cho biết tỉnh này vừa thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão số 4 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Yêu cầu tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới
Theo ông Phúc, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng và lãnh đạo chính quyền các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại.
“Sở đã thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm”, ông Phúc nói.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản.
“Những khu vực nuôi thủy sản trên biển cũng đã nhận được thông báo và sẵn sàng chủ động ứng phó, di dời khi tình huống xấu xảy ra. Tại các điểm nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã đi kiểm tra, rà soát và chuẩn bị tinh thần ứng phó với thời tiết xấu”, ông Phúc cho biết thêm.
Các hồ chứa chủ động điều tiết
Chiều tối 17-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên có công điện khẩn gởi các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương yêu cầu khẩn trương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Ông Nguyễn Trọng Tùng – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên – cho hay công điện yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, nhất là mưa lớn ở thượng nguồn đổ về hạ lưu; chủ động chỉ đạo vận hành, điều tiết, tích nước, đón, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, đảm bảo không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân khu vực ven sông vùng hạ du hồ chứa.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, lồng bè hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến chiều nay 17-9 có 319 tàu cá với 1.843 lao động tỉnh này đang hoạt động trên các vùng biển.
Tất cả các tàu cá trên đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, thường xuyên liên lạc về gia đình và Bộ đội biên phòng.