Theo Hãng tin AFP, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo về một “nghịch lý”, trong đó “châu Âu là mục tiêu của tên lửa chúng tôi (Nga), còn đất nước chúng tôi là mục tiêu của tên lửa Mỹ đặt tại châu Âu”.
“Chúng tôi có đủ năng lực để ngăn chặn những tên lửa này, Tuy nhiên, bên có thể trở thành nạn nhân là thủ đô của những nước này” – ông Peskov ngày 13-7 nói với kênh truyền hình Russia 1 (Nga).
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng ám chỉ rằng một cuộc đối đầu như vậy có thể làm suy yếu toàn bộ châu Âu, tương tự như cách Chiến tranh Lạnh đã kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô.
“Châu Âu sẽ tan rã. Châu Âu không còn ở thời kỳ đỉnh cao nữa. Lịch sử lặp lại là điều không thể tránh khỏi” – ông cảnh báo.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 10-7, Mỹ thông báo sẽ bố trí vũ khí tầm xa định kỳ, gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk, ở Đức từ năm 2026, coi đây là biện pháp răn đe.
“Việc triển khai những năng lực tiên tiến này sẽ chứng minh cam kết của Mỹ đối với NATO và đóng góp vào khả năng răn đe chung của châu Âu” – Nhà Trắng giải thích.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ca ngợi quyết định của Mỹ, bất chấp sự chỉ trích từ các thành viên Đảng Dân chủ xã hội của ông.
Quyết định trên đánh dấu các tên lửa hành trình Mỹ sẽ được triển khai trở lại Đức sau 20 năm vắng bóng.