Trong phát biểu ngày 4-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh các điều chỉnh trong học thuyết hạt nhân của Nga được thực hiện “giữa bối cảnh những thách thức và mối đe dọa do cái gọi là tập thể phương Tây mang tới”.
Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi có tin Mỹ đã đạt thỏa thuận chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Lâu nay Ukraine thường xuyên thúc giục các đồng minh cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Số tên lửa này có thể được dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga, như những gì Ukraine đang làm ở vùng Kursk.
Phát ngôn viên Điện Kremlin cũng nói rõ các điều chỉnh này có liên quan tới việc cung cấp vũ khí của Mỹ nêu trên. “Dĩ nhiên người Ukraine sẽ làm vậy. Chúng tôi đang tính hết những điều này vào việc điều chỉnh ấy”, hãng tin RIA của Nga dẫn lời ông Peskov.
Phía Nga từng cho biết họ đã có kế hoạch sửa đổi chính sách hạt nhân, đặt ra những tình huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Các chi tiết về sửa đổi này dù vậy chưa được nêu rõ.
Theo học thuyết hạt nhân hiện tại, vốn do Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo vào năm 2020, nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị nước khác tấn công hạt nhân, hoặc bị nước khác tấn công bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa sự tồn vong của nước Nga.
Trong lúc tình hình Kursk có vẻ “nóng”, Nga vẫn tiếp tục tấn công mạnh ở phía đông cũng như tiến hành không kích trên nhiều thành phố khác nhau của Ukraine.
Ngày 4-9, hãng tin Reuters cho biết một đợt tấn công trong đêm bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhằm vào thành phố Lviv làm chết ít nhất 7 người. Lviv nằm phía tây Ukraine, giáp với Ba Lan – một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các thông tin thực địa về địa điểm tấn công và số người chết thường được Ukraine và Nga giữ kín hoặc tuyên bố ngược nhau.