Đây là diễn biến mới nhất liên quan tới giao tranh giữa Nga và Ukraine tại mặt trận mới. Trước đó phía Ukraine đã bất ngờ tấn công và tràn sang vùng Kursk, khu vực thuộc Nga nằm sát biên giới hai nước.
Nga tăng hỏa lực vào Ukraine
Sự kiện trên gây chú ý vì là đợt xâm nhập lớn nhất Ukraine thực hiện vào lãnh thổ Nga kể từ tháng 2-2022, thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Theo ông Putin, Ukraine tràn vào vùng Kursk nhằm tranh thủ lợi thế để có đòn bẩy trên bàn đàm phán chấm dứt chiến sự tiềm năng sau này.
Các blogger quân sự Nga đã đưa tin về nhiều cuộc giao tranh quyết liệt ở mặt trận Kursk. Họ cho hay Ukraine vẫn tiếp tục muốn mở rộng kiểm soát tại đây, trong khi Nga đã đưa thêm quân đội và vũ khí hạng nặng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công từ Kiev.
Bộ Quốc phòng Nga công bố một đoạn băng cho thấy máy bay Su-34 tấn công vào lính Ukraine. Ông Apti Alaudinov, chỉ huy đặc nhiệm Akhmat (Chechen) khẳng định cuộc tiến công của Ukraine đã bị chặn, và “kẻ thù đã hiểu rằng kế hoạch tấn công chớp nhoáng của chúng đã không hiệu quả”.
Vừa qua, ông Putin đã nói với các quan chức cấp cao rằng Nga sẽ đẩy lui quân đội Ukraine, đồng thời cam kết sẽ có “phản ứng xứng đáng”, nhấn mạnh lực lượng Nga đang đẩy nhanh tiến độ dọc theo các khu vực khác của mặt trận.
Lâu nay, Nga và Ukraine đã tập trung giao tranh dọc chiến tuyến mạn phía đông Ukraine. Nhưng vùng Kursk đang nổi lên như một mặt trận mới, và có vẻ hai bên sẵn sàng phân tán lực lượng cho nhiều điểm nóng cùng lúc.
Ngày 13-8, Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời quan chức địa phương cho biết có hai người thiệt mạng do các cuộc không kích của Ukraine tại thành phố Lysychansk, nơi Nga đang kiểm soát ở miền đông Ukraine. Trước đó, chính quyền Lysychansk nói hơn 30 người bị thương trong vụ tấn công trên.
Nga đọc được “bài” của Ukraine?
Một số quan điểm từ phương Tây cho rằng việc Ukraine chọc thủng vùng biên giới khiến Nga mất mặt, và có thể giảm áp lực cho các điểm giao tranh ở miền đông và đông nam nước này do Matxcơva buộc phải chia hỏa lực.
Tuy vậy, như phân tích của Tuổi Trẻ Online gần đây, chiến thuật của Ukraine cũng là con dao hai lưỡi. Chính Kiev về cơ bản cũng phải dàn trải lực lượng trên nhiều chiến trường.
Hôm 13-8, Hãng tin Reuters nhận định: “Tuy vậy, bằng việc dành lực lượng cho vùng Kursk, Ukraine có thể phải để lộ các khu vực khác trên mặt trận khi Nga tiến quân. Nga, vốn có quân đội lớn hơn rất nhiều, có thể cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine”.
Quan trọng hơn, tính toán của Ukraine cũng chịu ảnh hưởng từ mức độ đáp trả của Nga, khi vụ xâm nhập biên giới vừa qua có khả năng đẩy chiến sự tới những kịch bản leo thang khác.
Các nước phương Tây ủng hộ Ukraine vẫn khá thận trọng, không muốn xung đột Ukraine – Nga lan rộng thành màn đối đầu trực diện giữa phương Tây với Nga. Vừa qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố không được cảnh báo trước về cuộc tấn công của Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine cho cuộc chiến ủy nhiệm với Nga, và vụ tràn qua biên giới vừa rồi là một nỗ lực phá hoại sự ổn định trong nước của Nga.
Cơ quan tình báo đối ngoại Nga khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiến hành những bước đi mạo hiểm, có thể tạo nguy cơ leo thang căng thẳng vượt ngoài biên giới Ukraine.