Ngày 1-8, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sulivan xác nhận có 24 tù nhân được trả tự do với 7 quốc gia tham gia trao đổi. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán hậu trường phức tạp giữa Mỹ, Nga, Belarus và Đức.
Kỳ tích ngoại giao
“Kể từ Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ có nhiều cá nhân trao đổi theo cách này và cho đến nay, như chúng tôi biết, chưa bao giờ có một cuộc trao đổi liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều đối tác và đồng minh thân cận của Mỹ cùng làm việc cùng nhau như vậy”, Đài CNN dẫn lời ông Sullivan nói.
Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ra tuyên bố gọi vụ trao đổi là một “kỳ tích ngoại giao”. Ông cho biết có 3 công dân và 1 thường trú nhân của Mỹ nằm trong số 16 người được Nga phóng thích. Trong số này có 2 nhà báo Evan Gershkovich, Alsu Kurmasheva và cựu thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan.
“Một số phụ nữ và đàn ông này đã bị giam giữ bất công trong nhiều năm. Tất cả đều đã phải chịu đựng những đau khổ và bất an không thể tưởng tượng được. Ngày nay, nỗi thống khổ của họ đã kết thúc”, ông Biden nói. Có mặt cùng ông Biden là gia đình những người được thả.
12 người còn lại là người Đức và Nga được Nga phóng thích sẽ được đưa về Đức. Những tù nhân Nga sẽ được thả từ các nước Đức, Slovenia, Na Uy và Mỹ.
Đây là cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc trao đổi lớn gần đây nhất vào năm 2010 có14 tù nhân đã được thả.
“Sau khi hoàn tất thủ tục phê chuẩn của các bên, kiểm tra sức khỏe… các tù nhân được đưa lên máy bay của các quốc gia mà họ sẽ đến”, Hãng tin Reuters dẫn lời Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, nước điều phối cuộc trao đổi, xác nhận.
Trong phát biểu cùng ngày với vụ trao đổi tù nhân, Điện Kremlin của Nga cảnh báo những người đã rời khỏi Nga hãy tránh xa nước này.
“Tôi tin rằng tất cả kẻ thù của chúng ta nên ở lại đó (ở nước ngoài), và tất cả những người không phải là kẻ thù của chúng ta nên quay trở lại. Đó là quan điểm của tôi”, Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói.
Tuyên bố cứng rắn hơn, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng: “Chúng tôi muốn những kẻ phản bội Nga thối rữa và chết trong tù, nhưng việc đưa người của chúng ta trở về nhà sẽ có ích hơn”. Ông dọa rằng hãy để những người được Nga phóng thích thay tên đổi họ và ở ẩn trong các chương trình bảo vệ nhân chứng của phương Tây.
Hậu trường kịch tích
Các nguồn tin quan chức Mỹ tiết lộ ông Biden đã nỗ lực để chốt được thỏa thuận trao đổi con tin ngay trong khi ông thông báo rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống Mỹ cuối năm nay.
Trong quá trình đàm phán, Washington cũng đã tìm cách trả tự do cho Marc Fogel, một công dân Mỹ bị kết án 14 năm tại trại lao động ở Nga, nhưng không thành công.
Một quan chức Mỹ khác nói rằng CIA, với nỗ lực làm việc trong nhiều năm thông qua một kênh với tình báo Nga, cũng đóng vai trò quan trọng trong vụ trao đổi tù nhân mới nhất. Đích thân Giám đốc CIA Bill Burns và các quan chức cơ quan khác trực tiếp tham gia đàm phán.
Trong khi đó, chính quyền Đức cho biết việc phải thả tù nhân Nga không phải là quyết định dễ dàng. “Nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức và sự đoàn kết của chúng tôi với Mỹ là động lực quan trọng cho chúng tôi”, chính phủ Đức tuyên bố.