Bước ngoặt ngành ETC tại Việt Nam và tiền đề cho sự phát triển dài hạn
Ngày 1-8-2022 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ngành giao thông Việt Nam, khi Chính phủ quyết định tất cả tuyến cao tốc chỉ áp dụng thu phí không dừng (ETC); các trạm thu phí trên quốc lộ cũng thực hiện thu phí ETC, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.
Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy đến 30-6-2024, toàn bộ 162 trạm thu phí trên cả nước đã triển khai 925 làn thu phí ETC. Tổng số xe dán thẻ, mở tài khoản thu phí đạt 5.677.944 chiếc, chiếm hơn 96% tổng số ô tô cả nước.
Số lượng giao dịch thông qua ETC chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí cả nước (từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỉ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống ETC).
Có thể thấy sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, kết hợp cùng những nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành trong lĩnh vực ETC đã tạo ra một hệ thống thu phí hiệu quả hơn, minh bạch hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia giao thông.
Những lợi ích của ETC trong thu phí đường bộ tại Việt Nam lần đầu tiên được lượng hóa cụ thể trong một báo cáo được công bố gần đây của phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Theo báo cáo, tính riêng trong năm 2023 – năm đầu tiên triển khai đầy đủ ETC trên đường cao tốc cả nước, tổng lượng khí thải CO2 giảm được lên tới 191.860 tấn, nhờ giảm 60.816 tấn xăng và nhiên liệu diesel tiêu thụ tại các trạm thu phí. Cùng năm, xã hội tiết kiệm được 93,3 triệu giờ cho nhân lực và 37,3 triệu giờ cho tuổi thọ của phương tiện.
Xét về giá trị tương đương bằng tiền, báo cáo chỉ ra tổng chi phí tiết kiệm được cho năm 2023 qua bốn thước đo: năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành lên tới 442,7 triệu USD. So với thời điểm bắt đầu thúc đẩy ETC năm 2019, lợi ích của việc giảm lượng khí thải tương đương CO2 và tổng tiết kiệm tương đương tiền đã tăng 14 lần.
Tính chung cả giai đoạn 2019 – 2023, lợi ích mà Việt Nam có được từ việc triển khai ETC tương đương giá trị gần 1 tỉ USD. Ước tính cả giai đoạn 2019-2030, báo cáo tính toán việc triển khai ETC tại Việt Nam có thể giúp giảm 2,3 triệu tấn khí thải CO2, tiết kiệm 727.000 tấn xăng và dầu diesel, hơn 1 tỉ giờ nhân lực, 445 triệu giờ tuổi thọ phương tiện và 465 triệu USD chi phí vận hành cho việc thu phí. Tính theo giá trị tương đương tiền, tổng lợi ích kinh tế mang lại cho xã hội trong giai đoạn nêu trên khoảng 5,3 tỉ USD.
Những con số này không chỉ phản ánh sự thành công của ETC trong việc cải thiện giao thông mà còn mở ra triển vọng cho sự phát triển dài hạn của công nghệ này. Hơn nữa, với mục tiêu phát triển 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, ETC sẽ tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo hiệu quả vận hành và quản lý giao thông trên hệ thống cao tốc quốc gia.
ETC – Không chỉ là một công nghệ, mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế
Tỉ lệ xe sử dụng ETC cũng đã tăng từ khoảng 60% năm 2021 lên tới 96% tổng số phương tiện năm 2024 đã cho thấy sự chấp nhận và ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với công nghệ này.
Đây là bước khởi đầu quan trọng để thúc đẩy ETC phát triển không chỉ với thu phí đường bộ mà còn lan rộng sang các ứng dụng khác trong ngành giao thông nói riêng và phát triển đời sống kinh tế – xã hội tại Việt Nam nói chung.
Thực tế cho thấy ETC không chỉ là một giải pháp thu phí hiện đại, giảm thiểu ùn tắc giao thông, giúp người dân trải nghiệm giao thông thuận tiện hơn, giảm thời gian di chuyển. Từ đó tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ở cấp độ quốc gia, nghiên cứu của TS Vũ Minh Khương chỉ ra hệ thống ETC tạo ra dữ liệu quý giá để tối ưu hóa việc quản lý giao thông, đồng thời cung cấp cơ sở cho các quyết định kinh tế chiến lược.
Thực tế tại Nhật Bản, với hệ thống ETC 2.0 có khả năng phân tích dữ liệu, lịch sử lái xe, các phương tiện có thể nhận thông tin giao thông như tình trạng tắc nghẽn theo thời gian thực và hiển thị tuyến đường tối ưu trên màn hình hệ thống dẫn đường tương thích trên xe.
Để hỗ trợ lái xe an toàn, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo khi đến gần các khu vực có tiền sử tai nạn giao thông và khi có chướng ngại vật trên đường phía trước. Trong thảm họa mưa lũ ở tỉnh Kumamoto và các khu vực xung quanh năm 2020, dữ liệu giao thông từ hệ thống ETC đã giúp cung cấp thông tin giao thông chi tiết, tư vấn về việc các tuyến đường địa phương có thể đi qua được hay không để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Một số công ty bảo hiểm ở Mỹ và châu Âu, như Root Insurance, đã tiên phong trong việc sử dụng dữ liệu từ hệ thống thu phí và các thiết bị giám sát hành vi lái xe để phát triển các sản phẩm bảo hiểm tùy chỉnh.
Root Insurance sử dụng dữ liệu lái xe từ các thiết bị giám sát để đánh giá hành vi lái xe của khách hàng, từ đó điều chỉnh mức phí bảo hiểm sao cho phù hợp với mức độ rủi ro thực tế. Điều này giúp nâng cao tính công bằng và khuyến khích các hành vi lái xe an toàn hơn
Singapore đã triển khai hàng loạt giải pháp sử dụng hệ thống dữ liệu trong quản lý giao thông và quy hoạch đô thị thông minh, điển hình là các dự án tại Khu vực Jurong Lake District (JLD). Đây là một khu vực thí điểm của thành phố, nơi dữ liệu được thu thập từ các cảm biến giao thông, camera và hệ thống ETC. Dữ liệu được phân tích để tối ưu hóa lưu lượng giao thông, dự báo ùn tắc, và hỗ trợ việc ra quyết định trong quy hoạch đô thị.
Không dừng lại ở thu phí đường bộ, ETC còn được ứng dụng rộng rãi tại các bãi đỗ xe và sân bay, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và trải nghiệm người dùng. Hiện nay, tại Việt Nam, 2 sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã thí điểm thành công ETC và dự kiến sẽ được triển khai đồng loạt tại tất cả các sân bay trên cả nước trong năm 2024.
Dịch vụ ETC cũng đã ứng dụng nhanh chóng trong thu phí đỗ xe với hơn 100 điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội. Việc có thêm tính năng này vừa tạo thuận tiện cho khách hàng vừa nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường sự minh bạch cho doanh nghiệp.
Có thể nói trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế số, ETC là chìa khóa mở ra cánh cửa cho các ứng dụng công nghệ cao như IoT, Big Data và thanh toán không tiền mặt. Dữ liệu từ hệ thống ETC không chỉ giúp dự báo và quản lý lưu lượng giao thông mà còn tạo nền tảng cho các dịch vụ thông minh khác, từ bảo hiểm xe cộ, quản lý phương tiện đến các giải pháp vận tải tiên tiến.
Là doanh nghiệp đầu tiên tham gia cung cấp dịch vụ ETC với công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) tại Việt Nam, Công ty TNHH thu phí tự động VETC hiện đang là đơn vị tiên phong trong việc triển khai mở rộng các ứng dụng của nền tảng ETC vào các hoạt động phục vụ đời sống xã hội.
Cụ thể, từ năm 2023 VETC đã phát triển triển ví điện tử VETC nhằm giúp khách hàng nạp tiền, rút tiền trực tiếp ngay tại ứng dụng và có thể sử dụng mua xăng, chuyển tiền giữa các tài khoản giao thông và sắp tới là các dịch vụ phí hạ tầng đường bộ, bảo hiểm xe…
Ngoài các ứng dụng trên, trong tương lai, Việt Nam có thể áp dụng ETC vào việc thu phí nội đô – một giải pháp giúp kiểm soát lưu lượng xe trong thành phố và tạo nguồn thu bền vững đầu tư hạ tầng giao thông mà chính quyền các đô thị đang hướng tới.
Việc tăng cường ứng dụng của ETC ngoài thu phí đường bộ cũng là giải pháp thúc đẩy các phương thức thanh toán không tiền mặt, góp phần xây dựng một nền kinh tế số toàn diện, minh bạch và hiệu quả hơn.
Bởi vì qua thực tế và những nghiên cứu mới nhất, ETC không chỉ là một công nghệ giúp cải thiện giao thông, mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự tham gia của khu vực tư nhân, ETC sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển không chỉ cho ngành giao thông vận tải mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Khai thác tối đa giá trị từ ETC, kết hợp ứng dụng này với các công nghệ hiện đại sẽ giúp Việt Nam không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn xây dựng một nền kinh tế thông minh và hiện đại, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.