Còn tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói từ 2025 sẽ đề xuất dừng miễn giảm thuế phí, tức thắt chặt chính sách tài khóa. Hiện chúng ta đang giảm 2% thuế VAT, giãn – hoãn một số loại thuế, phí. “Người Thái, người Singapore phát tiền, còn ta muốn siết tiền”!
Chưa rõ ông bộ trưởng muốn siết chính sách tài khóa đến mức nào, với doanh nghiệp hay cả người tiêu dùng, nhưng siết đối tượng nào cũng đều ảnh hưởng đến sản xuất và sức mua. Hiện chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp qua giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm phí.
Đồng thời “phát tiền” cho dân qua giảm 2% thuế VAT đến cuối năm 2024. Số tiền giảm ấn tượng: năm 2022 là 38.900 tỉ đồng, ước sáu tháng cuối năm 2023 khoảng 35.000 tỉ đồng, ước cả năm 2024 khoảng 47.500 tỉ.
Nhưng dù có hỗ trợ và tăng trưởng kinh tế khá, cũng phải thừa nhận sức mua của dân không như mong muốn.
Có dự báo sức mua tăng lại nhưng không như năm 2023 hoặc sung sức như trước COVID-19. Siết chặt tài khóa, đó là tin không vui cho doanh nghiệp vì chưa thoát cảnh khó bán được hàng.
Mà lỡ nhu cầu tiêu dùng trên thế giới chựng lại, xuất khẩu gặp khó, tiêu dùng nội địa yếu, đó là “tai họa” kép cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong kinh doanh, ai lường được chữ ngờ.
Vậy tài chính quốc gia những năm tới có thực sự khó khăn để phải siết lại chính sách tài khóa? Có con số khá thú vị: nợ công của Việt Nam hiện là 37,1% GDP, Thái Lan và Philippines khoảng 60%, Indonesia 39,9%… Như vậy, dư địa để dùng chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn.
Liệu doanh nghiệp có đủ sức để tồn tại, vượt khó, chờ tháo gỡ các chính sách được cho là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thay thế biện pháp nới lỏng tài khóa? Thông thường, gỡ khó về chính sách là câu chuyện dài, cần thời gian.
Câu chuyện này khá rõ với doanh nghiệp bất động sản khi gỡ mãi vẫn chưa ra. Vì vậy, doanh nghiệp đang yếu cần tiếp sức ngay (qua giãn, giảm thuế), sau đó mới chuyển sang sống và tập luyện cho dẻo dai (chờ tháo tắc nghẽn do chính sách). Không tiếp sức, liệu có còn cơ hội để tập luyện dẻo dai?
Câu hỏi khác, vì sao chỉ số giá (CPI) không tăng sốc như các nước nhưng người dân vẫn kêu khó. Có vấn đề gì chăng?
Cần xem lại cơ cấu tính CPI trong rổ hàng hóa tiêu dùng, hiện có vẻ nghiêng về “ăn để sống” hơn là sống chất lượng. Người dân đô thị chi nhiều cho dịch vụ như thuê nhà, học hành, giải trí…
Chi cho lương thực và thực phẩm – mặt hàng ít tăng giá do Việt Nam sản xuất đủ cho tiêu dùng và xuất khẩu – không còn chiếm tỉ trọng cao. Phải chăng đó là lý do dân kêu “khó sống” dù CPI tăng thấp.
Một câu hỏi nữa: liệu thắt chặt chính sách tài khóa (không giãn, giảm thuế, phí) có đẩy trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp sang công cụ chính sách tiền tệ, và liệu còn dư địa để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế?
Câu trả lời là “tài khóa” có muốn đẩy sang “tiền tệ” cũng không được vì chính sách tiền tệ đã hết dư địa để hỗ trợ. Lãi suất đã giảm sâu và ngân hàng là doanh nghiệp nên không có “túi tiền to” đủ sức để hỗ trợ nền kinh tế.
Mới nhất, trong công điện về giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý 3-2024, Thủ tướng Chính phủ vẫn nhấn mạnh là Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách giãn, giảm thuế, phí. Liệu thông điệp từ bộ trưởng Bộ Tài chính siết chặt tài khóa từ 2025 là có vội vã?
Những câu hỏi nêu trên cần được làm sáng tỏ trước đề xuất thắt chặt chính sách tài khóa được trình lên cấp cao. Có vậy mới giải tỏa nỗi lo của doanh nhân, người dân: “Vì sao người Thái, người Singapore phát tiền, sao ta lại muốn siết tiền?”.