Người trẻ với tình yêu kiểu “lò vi sóng”, tại sao? Thế hệ trẻ có phải được nuông chiều thuở nhỏ do gia đình ít con nên khả năng đối diện, giải quyết vấn đề của họ ở mức thấp, khó vượt qua áp lực, thử thách?
Những cuộc tình không lối thoát
Vừa nhận tin nhắn mong được quay lại từ người yêu cũ, Khánh An (21 tuổi, quê Phan Rang, Ninh Thuận) liền đồng ý mà không cần suy nghĩ. Cô thay đổi màu hồng cho ô cửa sổ chat trên Messenger cùng hình ảnh hai trái tim xinh xắn.
Đã thành thói quen, cả hai không cần giải thích gì về những gút mắc trước đó cũng chẳng bàn đến lý do khiến họ quay trở lại lần này.
Đã hai năm kể từ lúc Khánh An và bạn trai bắt đầu yêu nhau. Đó cũng là khoảng thời gian cô thường xuyên sống trong cảm xúc thất thường, như ghen tuông, giận hờn khi người mình yêu quan tâm, trò chuyện thân mật với những cô gái khác.
Đôi khi chỉ đơn giản vì bạn trai chưa kịp bắt máy hay trả lời tin nhắn hơi lâu.
Mỗi lần bất đồng, cãi vã là Khánh An nhất quyết chia tay. Nhưng cũng có lúc bạn trai của cô là người chủ động. Nhanh thì ít hôm, lâu thì vài tuần, một trong hai người sẽ xuống nước làm hòa.
Có lúc là một cuộc hẹn lãng mạn với nến và hoa cùng lời xin lỗi thống thiết. Nhưng lắm khi chỉ cần một tin nhắn chỉ mấy chữ như đùa “Ê tụi mình quay lại nhe!”.
Đang trong tâm trạng buồn bã, Minh Trí (25 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bất ngờ nhận được điện thoại từ bạn gái cùng lời đề nghị tái hợp.
Anh cho biết: “Thật lòng mình chỉ thấy vui một chút nhưng hơi lo vì đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu cả hai cứ chia tay rồi quay lại”.
Cũng theo Trí, những lần đầu anh luôn là người thuyết phục, níu kéo. Nhưng theo thời gian anh thường buông xuôi mỗi lần người yêu đòi chia tay vì cảm giác mình không được tôn trọng khi mọi thứ cứ lặp đi lặp lại.
Tự nhận mình là người thiên về tình cảm, nên dù cảm thấy mệt mỏi với mối quan hệ hơn ba năm qua nhưng Trí vẫn chưa thể dứt khoát chia tay vì không muốn mang tiếng phũ phàng.
Tình yêu kiểu “lò vi sóng”
Trong từ điển gen Z, “lò vi sóng” được dùng để nói về những cặp đôi từng chia tay nhưng lại tái hợp và tình trạng đó cứ diễn ra nhiều lần.
Cũng giống như nguyên lý hoạt động của chiếc lò vi sóng là bật, tắt rồi hâm nóng thức ăn. Mối quan hệ này sẽ liên tục trải qua chu kỳ chia tay và quay lại.
Ở một số nước phương Tây, mối quan hệ này được gọi với tên On-off relationship (mối quan hệ bật – tắt). Khác với tình yêu kiểu truyền thống, trong mối quan hệ này chia tay không phải chấm dứt mà là bắt đầu cho một vòng tròn hợp – tan chưa biết khi nào dừng lại.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Medicalnewstoday của Mỹ năm 2023, 60% người trẻ thừa nhận từng trải qua mối quan hệ kiểu “lò vi sóng”.
Đâu là nguyên nhân?
Phần lớn người trẻ chưa trưởng thành về mặt tâm lý xã hội, thường đưa ra các quyết định vội vàng hoặc cảm xúc bột phát. Đó có thể là mâu thuẫn nảy sinh từ những việc vụn vặt. Trong lúc tức giận, không ai nhường ai, lời chia tay, chấp thuận chia tay được nói ra dễ dàng, không nhiều đắn đo.
Tuy nhiên chia xa một thời gian, có người nhận ra vẫn còn tình cảm với người cũ, cảm thấy đơn độc trong khi bạn bè đều có đôi lứa nên mong muốn quay trở lại.
Có thể còn do sự thiếu chín chắn nơi các bạn trẻ khi đưa ra quyết định; khả năng đối diện và giải quyết vấn đề của họ ở mức thấp; do thiếu khả năng lắng nghe và thấu hiểu đối phương cùng cái tôi lớn của các cặp đôi; do ảnh hưởng từ các cặp đôi khác dẫn đến sự so sánh và đưa ra quyết định vội vàng hoặc nghe chia sẻ của những người ngoài cuộc, dẫn đến sai lầm.
Cũng có khi họ chia tay để tìm kiếm cảm xúc mới mẻ hơn. Đến lúc nhận ra mối quan hệ mới không được như kỳ vọng, họ lại tìm về người cũ, trong khi người còn lại vẫn chấp thuận vì cảm giác thân thuộc.
Điều này tương tự như một phản xạ có điều kiện, giúp bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương từ quá khứ cũng như tương lai.
Hâm nóng nhiều lần, có ổn không?
Nhìn chung, tình yêu “lò vi sóng” tồn tại nhiều ở tuổi trẻ bởi chưa có ràng buộc bằng quan hệ hôn nhân nên dễ chia tay, dễ tha thứ.
Thực tế việc chia tay có thể giúp cả hai nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ, hiểu được khuyết điểm cần cải thiện, tránh những mâu thuẫn hay lặp lại sai lầm như trước. Tuy nhiên cũng có người tái hợp nhiều lần vẫn không thể đảm bảo lâu dài bởi sự nỗ lực đầu tư cho tình yêu không phải lúc nào cũng đến từ hai phía.
Khi quay trở lại “vì tình yêu”, “vì nhớ người đó không quên được”, nếu cả hai hoàn toàn phớt lờ đi những cãi vã ngày trước, tin rằng đó là chuyện không đáng nhắc đến khi đã làm lành, kiểu… chuyện quá khứ thì cứ để cho nó nằm lại ở quá khứ thôi, thì mâu thuẫn ban đầu dẫn đến chia tay vẫn còn đó.
Lâu dần đó là sự cạn kiệt và chai sạn về cảm xúc, thất vọng vì đối phương không hề thay đổi, không có một cam kết dài lâu.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người duy trì mối quan hệ này thường giao tiếp kém, không quen đối đầu với những thách thức, mâu thuẫn và ít có sự cam kết lâu dài.
Có người cho rằng tình yêu kiểu “lò vi sóng” không giúp hàn gắn thêm được tình cảm mà đôi khi còn khiến mọi thứ tệ đi. Nếu cứ “quay đi quay lại” nhiều lần khiến cảm xúc trở nên bị chai sạn, không còn sự chân thành hay yêu đương cuồng nhiệt như lần đầu tiên.
Vẫn có thể có kết đẹp
Tình yêu “lò vi sóng” vẫn có thể có một cái kết đẹp, nếu sau mỗi lần chia tay ta lại học được những khiếm khuyết cần cải thiện để bản thân tốt và “vừa vặn” hơn trong tình yêu với người mình yêu. Từ đó có thể có cách chỉnh chính mình và người ấy nhằm tránh những sai lầm trước đó.
Chia tay – quay lại đôi khi chính là để hiểu nhau hơn, và đến gần nhau hơn khi biết rằng mình vẫn muốn tiếp tục đồng hành và sẵn sàng thay đổi vì người ấy. Điều quan trọng nhất phải lưu tâm, đấy là nỗ lực cải thiện bắt buộc phải đến từ hai bên.