Nhà máy xử lý nước thải phía bắc Nha Trang nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, được khởi công xây dựng tháng vào tháng 12-2021 với công suất 15.000m3 nước thải sinh hoạt mỗi ngày.
Được xây dựng trên khu đất có diện tích 3ha, nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – tiểu dự án TP Nha Trang (dự án CCSEP).
Đây là một trong những dự án cấp thiết nhằm xử lý lượng nước thải bẩn đổ ra khu vực phía bắc vịnh Nha Trang, nhất là từ các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống và của các hộ dân nằm dọc đường biển phía bắc Nha Trang.
Theo ông Nguyễn Thanh Hiến – giám đốc Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa – nhà máy này sẽ xử lý nước thải cho 5 xã, phường ở khu vực phía bắc thành phố qua một trạm bơm chính (ký hiệu PS5), với chiều dài các tuyến cống thu gom khoảng 25km.
Về quy trình xử lý nước thải, nước thải từ các trạm bơm PS5 truyền tải về ngăn tiếp nhận, truyền dẫn đến kênh đặt song chắn rác qua đồng hồ đo lưu lượng vào song chắn rác thô, rồi chảy đến song chắn rác tinh để loại bỏ các chất rắn.
Sau đó, nước thải chảy vào bể thu dầu mỡ và lắng cát có thổi khí, dầu mỡ thu gom trên bề mặt dẫn về bể chứa dầu, tại bể lắng cát các cặn vô cơ (cát, sỏi nhỏ…) được loại bỏ ra khỏi nước thải thông qua quá trình lắng xuống đáy bể lắng cát.
Cát sau lắng được dồn vào hố thu cát bằng dàn cào cát, và được bơm vào mương thu cặn định kỳ.
Ra khỏi bể lắng cát, nước thải được dẫn đến buồn phân phối trước khi vào bể kỵ khí có khuấy trộn chìm, nhiệm vụ bể kỵ khí loại bỏ Phốt pho, và một số kim loại nặng bằng phương pháp sinh học, rồi được chia làm 2 nhánh bố trí van điều tiết lưu lượng vào 2 mương oxy hóa.
Nước thải sau mương oxy hóa tự chảy sang bể lắng cuối, tại đây bùn hoạt tính được lắng xuống và thu vào trạm bơm bùn. Nước trong sau xử lý khỏi 2 bể lắng cuối, đi vào bể khử trùng tia UV để loại bỏ Coliform đạt chỉ tiêu yêu cầu rồi thải.
Hiện nhà máy trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, các chỉ số về môi trường sẽ được kiểm tra, phân tích trước khi cho phép vận hành chính thức từ giữa tháng 10 năm nay.