Nhà vườn Bến Tre làm livestream tự bán hàng, không lệ thuộc vào thương lái

Anh Lê Hoàng Tấn (19 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đang livestream bán kiểng bonsai cho các nhà vườn để hưởng hoa hồng – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đặc biệt vào dịp Tết vừa qua, khoảng 50% các sản phẩm hoa, cây kiểng đã được bán qua mạng.

Bán hàng quanh năm

Giữa trưa nắng một ngày cuối tháng 8-2024, dọc theo tuyến quốc lộ 57, đoạn đi qua huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), hàng loạt cửa hàng bán hoa, cây kiểng vẫn nhộn nhịp nhân viên đóng gói hàng để gửi cho khách. Thi thoảng tiếng chào khán giả và tiếng chốt đơn của các streamer lại vang lên.

“Cách đây vài năm, cứ tầm giữa trưa là đóng cửa tiệm để nghỉ ngơi. Còn bây giờ, đây là khung giờ nhiều khán giả xem live nên mình phải tranh thủ bán hàng” – ông Nguyễn Văn Tư, 65 tuổi, một nhà vườn tại huyện Chợ Lách, nói.

Ông Tư theo nghề trồng mai vàng từ hơn 10 năm nay nhưng chủ yếu bán qua thương lái và chỉ bán vào dịp giáp Tết nên thời gian chủ yếu ông dành vào việc chăm sóc cây. Tuy nhiên khoảng một năm qua, sau khi được một nhà vườn hướng dẫn, ông cùng vợ đã bắt đầu bán hàng qua TikTok và Facebook.

Đều đặn hằng ngày, ông Tư cùng vợ lại dùng hai chiếc điện thoại phát trực tiếp vào giữa trưa để bán hàng. Thời gian còn lại ông lại ra vườn để tưới cây, uốn cành cho cây kiểng. Cũng có những phiên live ông không bán được cây nào nhưng cũng có khi ông bán được 5 – 10 sản phẩm.

Ông Bùi Hoàng Trọng (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) lại có hướng đi khác với hai vợ chồng ông Tư. “Tôi hồi nào giờ không biết bán hàng qua mạng là gì. May có thằng Phát nó rành nên mọi việc thuận lợi”, ông Trọng nói.

Ông Trọng là một nhà vườn sản xuất mai vàng, cây kiểng lớn tại tỉnh Bến Tre với hàng chục ngàn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, với cách bán truyền thống trước đây, mỗi năm ông chỉ bán được khoảng 2.000 sản phẩm nên số mai vàng và kiểng bonsai bị tồn đọng khá nhiều.

Khoảng giữa năm 2020, con trai của ông Trọng là Bùi Hữu Phát (24 tuổi) đăng hình ảnh mai vàng và kiểng bonsai lên Facebook thì có người hỏi mua. Cơ duyên bán hàng qua mạng cũng đến với gia đình ông Trọng từ đó.

Anh Bùi Hữu Phát cho biết đã tiếp cận cách bán hàng qua mạng từ cách đây bốn năm, nhưng khoảng một năm qua hình thức bán hàng qua mạng mới phát triển mạnh. Hiện nay bình quân mỗi ngày Phát bán được 20 – 40 đơn hàng qua mạng, nâng tổng số đơn lên 6.000 – 7.000 đơn hàng mỗi năm.

“Cái hay của bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội là có thể bán được hàng quanh năm, cho thu nhập quanh năm tạo ổn định cho cuộc sống của gia đình”, anh Phát nói.

Phải luôn giữ chữ tín

Xu hướng bán hàng qua mạng không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các nhà vườn mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho các bạn trẻ, vốn nắm bắt nhanh trước những xu thế của xã hội.

Anh Lê Hoàng Tấn (19 tuổi, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách) là một trong những người đón đầu xu thế bán hàng qua mạng ở vùng nông thôn và mang lại thu nhập khá.

Anh Tấn cho biết hiện anh không trực tiếp sản xuất hoa kiểng nhưng thông qua công việc bán hàng qua mạng cũng kiếm được thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Hằng ngày, Tấn đến các vườn kiểng rồi phát sóng trực tiếp để bán hàng qua tài khoản TikTok của mình.

Anh Tấn cho biết thêm có những đơn hàng anh bán chừng vài chục ngàn đồng nhưng cũng có những đơn hàng lên đến hàng trăm triệu đồng nên dù chỉ hưởng hoa hồng 10% nhưng vẫn mang lại cho anh thu nhập khá cao.

Ông Trần Hữu Nghị, phó Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết hiện chưa có thống kê chính xác số lượng nông dân áp dụng hình thức bán hàng qua mạng nhưng ông khẳng định số lượng rất lớn và không ngừng tăng lên.

Ông Nghị cho biết trước xu hướng đó, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các buổi tập huấn cho người dân bán hàng qua mạng để không ngừng đổi mới trong cách thức bán hàng.

“Bên cạnh việc hướng dẫn người dân trong cách bán hàng qua mạng, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân phải chú trọng nâng cao chất lượng để giữ thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Như vậy mới làm ăn bền vững và lâu dài được”, ông Nghị nói.

Ông Huỳnh Quang Đức, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết xu hướng bán các mặt hàng nông sản qua mạng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang phát triển mạnh mẽ và đây cũng là xu hướng chung của thế giới.

Ông Đức cho biết thêm ngay cả tập đoàn lớn ở một số nước cũng chú trọng bán hàng qua mạng, thậm chí rất chuyên nghiệp việc này.

“Đặc biệt đối với các đối tượng còn yếu thế về nguồn nhân lực tiếp thị, bán hàng, tài chính, kênh phân phối… thì việc bán hàng qua kênh online sẽ giúp họ tạo sự cách biệt và giúp họ hội nhập thị trường, giới thiệu sản phẩm tốt hơn”, ông Đức nói.

Nhà vườn Bến Tre làm livestream tự bán hàng, không lệ thuộc vào thương lái- Ảnh 3.Nhà vườn ngóng thương lái

Trái ngược với khung cảnh tấp nập như mọi năm ở các vùng trồng hoa Tết nổi tiếng tại tỉnh Phú Yên, nhiều nhà vườn như ‘ngồi trên đống lửa’ khi chưa có thương lái nào hỏi mua.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *