Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản đã đón khoảng 17,7 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số cao kỷ lục, chứng minh khả năng phục hồi thần kỳ của ngành du lịch xứ sở hoa anh đào sau 3 năm chững lại vì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, chính lượng khách du lịch kỷ lục này đã khiến các hãng hàng không của Nhật Bản đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng.
Nhật Bản hiện có khoảng 7.100 phi công. Theo kế hoạch của chính phủ, nước này cần thêm 1.000 phi công để có thể hiện thực hóa mục tiêu đón 60 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030.
Đáng lo ngại hơn là các phi công đang ở độ tuổi 50 trở lên sẽ nghỉ hưu từ năm 2030, theo Bộ Giao thông Nhật Bản.
Đầu năm nay, Bộ Giao thông Nhật Bản đã thành lập một đơn vị chuyên trách, nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực phi công từ nước ngoài, bao gồm việc đẩy nhanh và tinh gọn hóa quy trình chuyển đổi giấy phép phi công nước ngoài sang giấy phép phi công Nhật Bản.
Nhưng điều này đã vấp phải một số ý kiến trái chiều tại Nhật Bản – quốc gia từ trước đến nay luôn ưu tiên các phi công mang quốc tịch Nhật.
Nhiều người lo ngại phi công nước ngoài sẽ khó khăn trong việc thích nghi với bộ máy làm việc của các hãng hàng không Nhật Bản, nếu họ không giỏi tiếng Nhật.
Ngoài ra, một số ý kiến khác lại e ngại Nhật Bản sẽ khó khăn khi tìm kiếm các phi công nước ngoài, vì mức lương phi công của các hãng hàng không Nhật Bản thường không cạnh tranh so với hãng hàng không của các quốc gia khác.
Phi công nước ngoài tại Nhật Bản rất ít.
Japan Airlines có khoảng 2.000 phi công, nhưng chỉ có một vài người là phi công nước ngoài.
All Nippon Airways (ANA) có khoảng 2.400 phi công, nhưng hầu như không có phi công nước ngoài.
Đại diện của Japan Airlines cho biết việc thuê phi công nước ngoài chỉ là giải pháp tạm thời, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030.
Về lâu dài, Japan Airlines sẽ tiếp tục tuyển dụng các phi công mới ra trường, hoặc phi công tốt nghiệp từ các trường đào tạo phi công công lập của Chính phủ Nhật Bản.
ANA hiện chưa đưa ra bình luận nào cho vấn đề này.