Bí quyết của những đơn vận chuyển “thần tốc” nằm ở những trung tâm livestream quy mô lớn và kho hàng được lập ở cả nội địa Việt Nam.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ vừa thực hiện hành trình 10.000km, bắt đầu từ TP.HCM đến các địa phương của Trung Quốc gồm: Hàng Châu, Quảng Châu, Đông Quản, Nam Ninh…
Sau đó theo tiếp chặng khu vực biên giới Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Hà Khẩu (giáp Lào Cai). Từ đó giải mã bí mật đằng sau mô hình xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới qua kênh online đầy ấn tượng về cả số lượng, giá thành và thời gian giao hàng.
Việt Nam nằm ở tốp đầu mua hàng Trung Quốc
Gần 12h đêm, chị Dương (TP.HCM) đặt mua chiếc quạt đeo cổ mini, từ một cửa hàng Trung Quốc trên sàn Shopee. Nghĩ rằng phải chờ 7 – 10 ngày, do hàng vận chuyển quốc tế, nhưng bất ngờ ba ngày sau hàng đã giao tận nhà.
“Nhanh hơn cả mua hàng một số tiệm tôi đặt mua ở Hà Nội. Không phải giao nhanh rồi tăng phí, mà họ miễn phí vận chuyển luôn. Hàng xài tốt, mẫu mã xinh”, chị Dương khen.
Theo hành trình thông báo trên ứng dụng mua sắm, chiếc quạt này đã phải trải qua hàng loạt chặng: từ kho Thâm Quyến, đến cửa khẩu Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó giao cho đơn vị vận chuyển tại Việt Nam, tới kho phân loại tại TP.HCM, về trạm giao hàng ở quận Bình Thạnh.
Để tìm hiểu “công nghệ” logistics Trung Quốc, giữa năm 2024, phóng viên báo Tuổi Trẻ lần ngược con đường vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam, tới “thủ phủ” khu hậu cần logistics Đông Quản (tỉnh Quảng Đông), chuyên tập kết hàng trung chuyển quốc tế.
Sau khi khách đặt qua nền tảng thương mại điện tử, khối lượng lớn hàng từ nhiều địa phương ở Trung Quốc được dồn về đây, vượt ngàn cây số về đến Việt Nam.
Kho này do Best Inc – “đại gia logistics” Trung Quốc – vận hành. Đây là doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái khép kín, vận chuyển hàng cho sàn thương mại điện tử lớn Shopee, Lazada, TikTok. Không chỉ hoạt động ở đất nước tỉ dân, họ còn mở rộng tại Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Mỹ…
Dẫn chúng tôi đi tham quan kho tại Đông Quản, ông Cúc Uy Giang – giám đốc Best Cross-border (nghiệp vụ vận chuyển xuyên biên giới) – cho biết nơi này là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khép kín.
Nhà bán hàng chỉ cần gõ phím/lệnh đặt hàng, đơn vị vận chuyển sẽ nhận hàng, chở đi và làm thông quan, đưa về Việt Nam. Họ sẽ giao đến tận tay khách hàng chỉ trong vài ngày, cắt giảm khâu trung gian qua các đơn vị khác theo cách truyền thống, nhờ đó tối ưu chi phí.
Bên trong kho thương mại điện tử để trung chuyển quốc tế có diện tích hơn 3.000m2. Các thùng hàng nhỏ, to, cồng kềnh… từ nhiều tỉnh thành Trung Quốc liên tục được chuyển đến.
Nhân viên tại đây kiểm tra cân nặng, kích thước, dán tem để phân biệt hàng chuyển về Việt Nam hay các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời theo dõi hành trình giao hàng.
Trong khối Đông Nam Á, ông Giang thống kê Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu nhận lượng hàng nhiều nhất từ kho này, một số thời điểm chỉ sau Philippines.
Khách hàng bao gồm: doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc có cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử Việt Nam. Phổ biến gồm đồ gia dụng, điện tử, quần áo, máy móc…
Bên hông kho này, hàng chục xe và thùng container xếp ngay ngắn, chờ chất đầy hàng để đi về biên giới.
Tối hàng qua cửa khẩu, sáng tới tay khách Việt
Đứng bên chiếc xe container đang chờ chất hàng, anh Hoàng (tài xế, người Trung Quốc) chia sẻ hằng tuần anh đều có vài chuyến đầy ắp hàng thương mại điện tử sang Việt Nam.
Quãng đường tuy xa mà gần vì chạy cao tốc, tối thiểu 80km/h, đường thông suốt. Xe rất hiếm bị dừng hoặc kiểm tra dọc đường.
Chọn ngẫu nhiên thùng hàng có ký hiệu VN-L kèm mã vận đơn BSO924…, chúng tôi bám theo hành trình vận chuyển, xuất hiện nhiều điều thú vị trong cuộc đua tốc độ và giá cước rẻ.
Đúng 14h50 ngày 3-7, container chứa lô BSO924… đầy hàng, bắt đầu di chuyển đến cửa khẩu Bằng Tường (giáp Lạng Sơn) với khoảng cách hơn 800km.
Sáng hôm sau tới nơi, hoàn tất thủ tục thông quan qua Việt Nam ngay buổi chiều. Sau đó, đơn vị vận chuyển tại Việt Nam tiếp nhận, phân loại xong vào ngày 6-7 và sẵn sàng giao đến tay khách hàng tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Như vậy, tổng thời gian từ lúc xe container rời kho Đông Quản (Trung Quốc) đến khi sẵn sàng giao cho khách ở Đà Nẵng chỉ khoảng ba ngày với quãng đường hơn 1.700km, trải qua cả thủ tục thông quan, nhập khẩu.
Lưu ý, trước khi rời kho, lô hàng này (gồm hàng doanh nghiệp đặt và hàng khách mua trên sàn thương mại điện tử) nằm chờ khoảng một tuần. Hàng do ZTO (“ông lớn” logistics nội địa Trung Quốc) gửi đến, để Best đưa về Việt Nam.
Đáng chú ý, còn cách khác được nhà bán hàng phối hợp với công ty logistics Trung Quốc để giao hàng “thần tốc”, giá rẻ.
Lần ngược lại biên giới Lạng Sơn, chúng tôi đón một container được chuyển từ Trung Quốc. Lô này do nhà bán hàng Trung Quốc tự vận chuyển tới khu vực cửa khẩu (theo hình thức Seller Own Fleet), sau đó Best tiếp nhận ngay biên giới và lo quãng đường còn lại. Tối qua cửa khẩu, sáng tới tay khách Việt là những gì chúng tôi chứng kiến.
Người Việt, kho Việt, khâu ở Việt Nam chuyển rất nhanh
19h30 tối, một chiếc xe container biển số 12F 002… chở hàng thương mại điện tử Trung Quốc dần lăn bánh ra khỏi khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), hướng về trung tâm phân loại hàng tại Bắc Ninh của Best.
Trên chuyến xe đêm, anh Thịnh (48 tuổi, tài xế người Việt) tâm sự đã có 20 năm kinh nghiệm, từ lái xe ben, xe tải đến container cỡ lớn. Những năm gần đây, hàng thương mại điện tử phát triển, công việc cũng đều đặn hơn, anh có tiền lo cho gia đình. Mỗi ngày, tài xế container này chạy khoảng 300km.
Đến khoảng 22h45, sau hơn ba giờ di chuyển, chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở Bắc Ninh. Tại đây, anh Thịnh đưa xe vào Trung tâm phân loại hàng hóa Best Express, rộng hơn 45.000m2, được đầu tư 5,5 triệu USD.
Tiến tới cửa thùng container, anh Thịnh cắt dây chì niêm phong, chứng minh hàng “nguyên đai nguyên kiện”.
Cánh cửa container vừa mở, nhiều nhân viên lập tức dỡ hàng. Các bao tải lớn hàng Trung Quốc được đưa lên băng chuyền, rồi tách ra thành các kiện nhỏ, đi qua máy quét mã vạch, tự động phân loại về ô chứa hàng của từng bưu cục khác nhau, rất nhanh.
Bốc ngẫu nhiên một kiện hàng vừa được đưa xuống từ xe container đi từ biên giới đến đây, chúng tôi tiếp tục theo dõi hành trình. Khoảng 1h sáng hôm sau, kiện hàng này cùng nhiều hàng hóa khác được đưa lên các xe lớn nhỏ, chờ lên đường đến các bưu cục.
Chưa tới 6h sáng, xe đã có mặt tại bưu cục ở khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội). Ngay trong buổi sáng, nhân viên bưu cục liên hệ và giao tới tay khách hàng.
Sáng 30-6, cầm trên tay chiếc ghế lười được đặt từ Trung Quốc với giá chỉ 390.000 đồng, Nguyễn Văn Pháp (20 tuổi) cho biết đã đặt trên sàn Shopee ngày 22-6 (như vậy tổng thời gian là khoảng tám ngày chứ không quá nhanh).
Tuy nhiên, Pháp cho biết: “Giá khá hợp lý, sản phẩm kích thước cồng kềnh 110x110cm, nhưng phí vận chuyển từ Trung Quốc về theo báo giá chỉ 10.000 đồng. Đơn hàng này lại được áp mã ưu đãi, miễn luôn phí vận chuyển”.
Thường xuyên mua hàng Trung Quốc, Pháp cho biết trước kia phải chờ khoảng 14 ngày, nhưng hiện nay đã rút ngắn nhiều.
Do giá rẻ, mẫu mã đa dạng, chất lượng ổn nên chấp nhận. Chiếc ghế lười vừa nhận, phần lớn thời gian liên quan đến các khâu ở Trung Quốc. Khi hàng vừa qua cửa khẩu Việt Nam vào ban đêm thì sáng hôm sau đã được nhận ở Hà Nội.
Chiều khách bằng cách giao nhanh
Trước khi tới tay người tiêu dùng, hàng Trung Quốc phải trải qua nhiều khâu. Trong đó giai đoạn chờ container đầy, chở từ các kho Đông Quản, Thâm Quyến… đến vùng biên giới với Việt Nam tiêu tốn khá nhiều thời gian. Điểm mấu chốt tiếp theo là khâu làm thủ tục hải quan.
Dùng điện thoại Xiaomi bản nội địa Trung, anh T. (TP.HCM) lên một sàn thương mại điện tử để đặt mua ốp lưng điện thoại, sau đó được chuyển về chỉ trong bốn ngày, dù vượt hàng ngàn cây số, xuyên biên giới, nhanh hơn nhiều lần mua hàng, giao từ Hà Nội vào TP.HCM.
Trong khi đó hàng phải đi qua Thâm Quyến, nhập kho quốc tế, vận chuyển tới cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc), về cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Từ đó hàng tiếp tục được chuyển đến trung tâm phân loại tại TP.HCM và giao hàng.
Ngày 28-7, anh này cũng đặt đơn hàng túi đựng máy tính Macbook trên sàn Shopee giá 474.699 đồng, rẻ hơn 200.000 đồng so với mua trong nước. Đơn hàng cũng giao từ Trung Quốc, chỉ sau năm ngày, chiều 1-8 hàng đã được giao tận nhà tại TP.HCM.
Như vậy, nếu không tính thời gian xác nhận đơn hàng, túi xách máy tính anh T. mua được xuất kho từ Thâm Quyến về đến Việt Nam chỉ trong ba ngày, quá trình phân loại và giao đến tay khách hàng chỉ trong một ngày. “Giá rẻ, giao hàng lại nhanh. Đi đường bộ mà nhanh như vậy, giá lại rẻ nữa”, anh T. nhận xét.
“Bao” phí vận chuyển xuyên biên giới vì quá rẻ
Mua sắm trực tuyến “rung chuyển” bởi một làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc giá rẻ tràn ngập trên các nền tảng thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, TikTok đến Taobao, 1688…
Ông Vương Hạo, phó chủ tịch Tập đoàn Best Inc, tổng giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuỗi cung ứng nước ngoài, cho biết: Phần lớn các chủ hàng “bao” luôn phí vận chuyển, vì giá vốn rẻ và cước vận chuyển cũng đang rất rẻ.
Đại diện doanh nghiệp logistics Trung Quốc phân tích, toàn trình cho một đơn hàng thương mại điện tử, trải qua tất cả các khâu (nhận và chuyển hàng tới cửa khẩu, thông quan, đưa đến tay người tiêu dùng), trung bình rơi vào giá khoảng 600 nhân dân tệ/m3 hàng thông thường, khoảng 333kg, tức mỗi kg hàng chỉ khoảng 6.300 đồng.
Hiện tại một số doanh nghiệp Việt Nam nhận mức giá 6.300 đồng/kg hàng hóa, áp dụng vận chuyển trên 100kg, chặng Hà Nội – TP.HCM. Với hàng thương mại điện tử, Trung Quốc đang có mức phí ship khoảng 2 – 3 tệ/đơn hàng (7.000 – 10.000 đồng), còn Việt Nam trong 10 năm nay đã giảm 50%, đang ở mức trung bình 25.000 đồng/đơn hàng, vẫn còn cao hơn Trung Quốc rất nhiều.
Phía tập đoàn logistics nhận định người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng mua nhiều hàng online từ Trung Quốc. Điều này cũng giúp các container được chất đầy hàng nhanh, tối ưu hóa thời gian, cước vận chuyển cũng rẻ hơn.
Giao trong 2 ngày hàng đã có sẵn trong kho ở Việt Nam
Công nghệ logistics của Trung Quốc đáng học hỏi nhưng thực tế, những đơn hàng đặt được giao ngay trong hai ngày cơ bản là hàng đã có sẵn trong kho tại Việt Nam.
Vào xem hàng trên một phiên livestream của một nam KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng) trên TikTok, có hơn 2.400 tài khoản đang xem, phóng viên hỏi thời gian nhận thỏi son về TP.HCM, người bán hàng cho biết: “2 – 3 ngày có. Ship (giao hàng – PV) từ Trung về, nhưng sure (chắc chắn – PV) với mọi người là có rất sớm”.
Tuy nhiên, ngay sau khi đặt thỏi son “phiên bản quốc tế” trên phiên livestream này, nhãn hàng báo tin nhắn rằng: “Rất tiếc, sản phẩm của chúng tôi phải mất 7 – 15 ngày mới được giao từ Trung Quốc”.
Tổng thời gian phóng viên phải chờ đợi là sáu ngày, đa phần đều liên quan đến các khâu ở Trung Quốc, riêng kể từ khi đã thông quan vào Việt Nam thành công thì chỉ mất khoảng một ngày là tới tay.
Thời gian vận chuyển nhanh được các nhà bán hàng đánh giá sẽ giúp hạn chế rủi ro khách chờ lâu nên đổi ý, không nhận hàng.
Qua trao đổi với Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển phát nhanh nội địa tại Việt Nam cho rằng trung bình thời gian hàng qua sàn thương mại điện tử, có hàng qua kho Thâm Quyến đến Việt Nam mất khoảng 5 – 7 ngày.
Trong đó hàng từ kho cửa hàng (shop) đến kho chung Thâm Quyến tầm 1 – 2 ngày, sau đó chuyển về Việt Nam 3 – 5 ngày.
Nhìn vào vị trí địa lý, ở khu vực Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), cách cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 649km và cách cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tầm 769km.
Ngoài ra thời gian vận chuyển kiện hàng xuyên biên giới đến từng khu vực nội địa cũng khác nhau, chưa kể việc kê khai đơn hàng ở cửa khẩu Trung Quốc hoặc Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do thông quan chậm.
Do đó khách đặt hàng và tới ngày nhận sản phẩm từ nội địa Trung Quốc đến Việt Nam chỉ 2 – 3 ngày là rất khó, trừ khi hàng đã có sẵn trong kho tại Việt Nam hoặc dọc biên giới.