Thật khó để có thể gói gọn trong bài viết này những câu chuyện của các nhà ngoại giao với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như tầm nhìn chiến lược của ông.
Trong mắt những người kể đều ánh lên sự tự hào vì đã có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với ông cùng sự khâm phục dành cho vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Những năm tháng quý giá và kỷ niệm khó quên với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Nguyễn Văn Son – nguyên trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, vẫn giữ trong lòng những ấn tượng sâu sắc về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong cuốn sách đầu tiên tập hợp bài viết, phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao xuất bản tháng 11-2023, ông Nguyễn Văn Son đã gọi Tổng bí thư là “anh” và nhắc lại câu chuyện Tết năm 2007.
“Chiều 30, tôi nhận được cuộc điện thoại của Thư ký Chủ tịch Quốc hội: ‘9 giờ sáng mồng Một Tết, anh Trọng sẽ đến thăm và chúc Tết gia đình đấy nhé’.
Tôi nói ngay: ‘Vui quá, nhưng tôi đề nghị anh báo cáo và thu xếp để anh Trọng dành thời gian này cho người khác hoặc cho việc khác. Tôi biết anh Trọng không có nhiều thời gian. Đó là lòng thành của tôi mà’.
Đồng chí Thư ký nói: ‘Anh là người Tết này được anh Trọng đến thăm đấy. Đây là sự quan tâm và ưu tiên của anh Trọng cho công tác đối ngoại'”, ông Son nhớ lại.
Năm đó, ông đang là chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội còn người ông gọi là anh đang là Chủ tịch Quốc hội.
Ông Son kể nhiều năm làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng nên có nhiều dịp được làm việc với “anh Trọng” trong công tác đối ngoại từ khi ông còn là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản hay Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trong giai đoạn này, mỗi khi đón các đoàn quốc tế vào nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng Việt Nam, ông Son cho biết luôn kiến nghị có sự hiện diện của ông Nguyễn Phú Trọng.
“Những nội dung thông báo, trao đối, đối thoại của anh được bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi tính khái quát sâu sắc, khúc chiết và dễ hiểu. Khách thú vị vì sự uyên bác, tinh tế toát lên từ phong cách giản dị, mộc mạc của anh…”, ông Son nhớ lại.
Cũng trong cuốn sách nói trên, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân vẫn nhớ hình ảnh nơi ghế ngồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn sáng đèn trong các chuyến thăm nước ngoài, dù đó là những chuyến bay đêm và bay xa.
Trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 2015, theo lời mời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhà riêng của cựu Tổng thống Bill Clinton. Hai nhà lãnh đạo – hai mái đầu bạc trắng ngồi đàm đạo rất giản dị, rất đời thường, nói chuyện đại sự mà nhẹ nhàng, dí dỏm.
“Cuối buổi tiếp, Tổng bí thư hỏi cựu tổng thống Mỹ: ‘Kỳ này bà nhà có trúng không?’ bởi khi đó bà Hillary Clinton đang ứng cử Tổng thống. Câu hỏi, từ dùng, cách hỏi rất thân mật, rất chân thật, rất Việt Nam làm cựu tổng thống Mỹ rất cảm động và ông đã chân thành chia sẻ với Tổng bí thư. Tôi nhớ mãi giây phút ấy, hình ảnh ấy”, ông Quân kể.
Người anh, người thầy của cán bộ ngoại giao
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng cũng vẹn nguyên ấn tượng về những lần được gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhắc lại việc Tổng bí thư đã nhiều lần đến các hội nghị ngoại giao để nói chuyện và căn dặn, chỉ đạo các cán bộ, ông Bàng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online:
“Những người cán bộ ngoại giao như chúng tôi rất biết ơn Tổng bí thư vì sự quan tâm với ngành ngoại giao. Những lời dặn và những bài viết của Tổng bí thư với cán bộ ngoại giao, nhất là ngoại giao cây tre thực sự là một cuốn cẩm nang, được ông đúc rút từ lịch sử ngoại giao Việt Nam, đưa nền ngoại giao nước nhà lên tầm cỡ quốc tế và thành công”.
Nhớ lại chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Tổng bí thư, đại sứ Lê Văn Bàng cho biết trước chuyến đi ông được đề nghị góp ý nội dung trao đổi với phía bạn. Là người có nhiều kinh nghiệm, ông Bàng chia sẻ ông đã đề nghị làm thế nào nâng tầm hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ.
“Chuyến đi năm đó của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam và sau này Tổng bí thư vẫn tiếp tục theo dõi, quan tâm quan hệ Việt Nam – Mỹ.
Năm 2023, Tổng bí thư đã đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hà Nội và chứng kiến quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, hướng đến lợi ích cho nhân dân hai nước.
Và vì thế, dù Tổng bí thư không phải là người xuất thân từ ngành học ngoại giao nhưng chúng tôi coi ông như một người thầy, một người mà chúng tôi rất kính trọng và học tập”, đại sứ Lê Văn Bàng bày tỏ.
Cũng giữ trong lòng kỷ niệm về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh chia sẻ ông đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi Tổng bí thư thăm Anh tháng 1-2013.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Minh chia sẻ trước khi đến London, Tổng bí thư đã trải qua một chặng công tác khá dài và trong thời tiết rét buốt của mùa đông châu Âu.
Khi chuyên cơ hạ cánh London, ông Minh, khi đó đang là đại sứ Việt Nam tại Anh, được thông báo Tổng bí thư có lẽ bị cảm lạnh và khá mệt nên có thể không dự chương trình gặp bà con kiều bào tại đại sứ quán như dự kiến.
Ông Minh cũng được đề nghị tháp tùng Tổng bí thư đi thẳng từ sân bay về khách sạn để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ba ngày kín hoạt động ở Anh.
“Khi tới gần khách sạn, đột nhiên Tổng bí thư bảo tôi: ‘Minh ơi, anh em có báo cáo anh là hôm nay hơi muộn, trời trở lạnh. Sứ quán cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống sưởi không tốt, sợ anh có thể bị lạnh nếu vào gặp bà con, ảnh hưởng chương trình chính thức ba hôm tới.
Tuy vậy, từ nãy đến giờ anh vẫn áy náy lắm, đã hẹn bà con mà phút chót lại không giữ lời thì về nghỉ cũng không yên tâm. Anh vẫn muốn tới gặp gỡ bà con một lát thôi cũng được. Đại sứ thấy thế nào?”, ông Minh kể lại.
Rồi người đứng đầu Đảng cũng đã đến cuộc hẹn đó và theo lời ông Minh, “không thể tả được niềm vui của bà con Việt kiều khi bất ngờ Tổng bí thư xuất hiện” bởi chỉ vài phút trước đó kiều bào được thông báo Tổng bí thư không đến dự được.
Ông Minh nhớ lại sau khi đến, Tổng bí thư chia sẻ: “Tôi hơi bị lạnh, nhưng tới đây với bà con, ấm áp xúc động lắm, khỏe hẳn lại rồi”.
“Đó là một cuộc hội ngộ ấm áp và đầy tình đồng bào với những cảm xúc tôi chưa từng chứng kiến”, đại sứ Vũ Quang Minh hồi tưởng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người lĩnh xướng ngoại giao cây tre Việt Nam
“Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” là những gì được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng để mô tả về bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam.
“Tôi cảm nhận sâu sắc đây không phải là sáng kiến bột phát, ngẫu hứng, mà là tinh hoa được chưng cất ra từ một quá trình tôi luyện lâu dài cả lý luận và thực tiễn, đậm tình quê hương đất nước, con người Việt Nam. Tôi thấy người giống cây tre hơn cả – vẻ đẹp của cây tre tre Việt Nam mộc mạc, không sơn phết – chính là anh Trọng”, nguyên Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Nguyễn Văn Son chia sẻ suy nghĩ.
Kể từ khi được Tổng bí thư nhắc đến vào năm 2016, ngoại giao cây tre đã được nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu để từ đó có luận giải về sự thành công của ngoại giao Việt Nam.
“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đưa ra hình tượng cây tre và qua nhiều hội nghị của ngành ngoại giao, ông đã luôn chỉ đạo những người làm ngoại giao suy nghĩ về hình tượng đó.
Trong bối cảnh hiện tại, ba chuyến thăm Việt Nam gần đây của lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga cho thấy như thế nào là bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam”, PGS.TS Dương Văn Quảng – nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận xét với báo chí ngày 19-7.
Dù cả ba nước này có những khác biệt với nhau, Việt Nam vẫn duy trì được quan hệ với cả ba nước, mời được lãnh đạo hàng đầu của ba nước đến thăm.
Điều đó, theo ông Quảng, cho thấy rõ bản sắc ngoại giao của Việt Nam là vì lợi ích quốc gia dân tộc và sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rất rõ, yêu cầu ngoại giao Việt Nam phải làm sao giữ vững đường lối và thực hiện một cách khéo léo những định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
“Tổng bí thư nói vận dụng khéo léo, không cứng nhắc, tức là muốn nhắc lại ý mà Bác Hồ đã dạy chúng ta từ lúc mới lập nước. Đó là dĩ bất biến, ứng vạn biến, tùy tình hình, tùy điều kiện mà vận dụng những biện pháp sao cho phù hợp, đảm bảo được lợi ích của dân tộc, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nhưng đồng thời cũng phải để cho bạn bè các nước thấy rõ ràng rằng chúng ta luôn luôn mong muốn kết bạn với tất cả các nước, yêu chuộng và tôn trọng hòa bình, giữ vững và đem lại hòa bình cho các quốc gia trong khu vực lẫn thế giới.
Chúng ta từng mong muốn hội nhập đầy đủ với thế giới và bây giờ chúng ta làm được, thậm chí tạo được vị thế, uy tín cao.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất mong muốn ngành đối ngoại của Việt Nam nói chung, ngành ngoại giao nói riêng từng bước hiện đại hóa, chuẩn hóa cán bộ để làm sao cán bộ ngoại giao chúng ta không hề thua kém ai”, ông Sơn chia sẻ với báo chí ngày 19-7.
Dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với học giả quốc tế
Ông Carl Thayer, Giáo sư tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định nếu ai đó hiểu được khái niệm ngoại giao tre, họ sẽ có được những hiểu biết sâu sắc và có giá trị về các nền tảng tạo nên thành công của Việt Nam.
Nhấn mạnh khái niệm này lần đầu tiên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại một hội nghị ngoại giao năm 2016, ông Thayer cho biết kể từ đó ngoại giao cây tre đã được tái khẳng định nhiều lần là nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đó là một phép ẩn dụ cho phép diễn đạt những ý tưởng phức tạp bằng một ngôn ngữ đơn giản và hình tượng gần gũi là cây tre với đặc tính dẻo dai, không ngừng phát triển.
Ngoại giao tre Việt Nam, theo ông Thayer, không chỉ là phản ứng trước những biến động trong quan hệ giữa các nước lớn mà còn là thúc đẩy văn hóa, bản sắc và quan hệ kinh tế Việt Nam với các đối tác.
Sự thành công của ngoại giao cây tre Việt Nam cũng gây tò mò cho thế giới, thúc đẩy họ đi tìm hiểu.
Giải đáp cho điều đó, Giáo sư Carl Thayer, một người Úc có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, nhận định có bốn lý do chính. Đó là Việt Nam có một đội ngũ các nhà ngoại giao lớn, được đào tạo tốt và chuyên nghiệp. Việt Nam cũng có tầm nhìn chiến lược dài hạn, có sự đánh giá và linh hoạt về chính sách đối ngoại.
Quan trọng hơn, Việt Nam đang ngày càng nhận được sự đánh giá cao và tin tưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.